Ngày 27/11/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọt tắt là Đề án).
Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Vĩnh Long về những lợi ích của nông dân khi tham gia thực hiện Đề án và những tiêu chí để được chọn tham gia.
* Xin ông cho biết khái quát chung của Đề án“Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, những mục tiêu và lợi ích đem lại của Đề án?
– Nhằm định hướng và đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo hướng canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và đời sống của người dân trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã đề xuất thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đề án được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre do diện tích sản xuất lúa không còn nhiều) và được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung thực hiện tại vùng đã có đầu tư của Dự án VnSat (180.000ha) và giai đoạn 2 (2026-2030) mở rộng thêm 820.000ha cho đủ 1 triệu hecta theo như kế hoạch đặt ra.
Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải nhằm đảm bảo cho việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chúng ta đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngoài ra, việc thực hiện Đề án còn giúp nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, tăng cường thu hút đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông dân và cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Khi thực hiện Đề án nông dân sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform-SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Qua đó, nông dân tham gia Đề án sẽ giảm một phần chi phí để góp phần nâng cao lợi nhuận trong sản xuất lúa.
Về tổ chức sản xuất: khi tham gia thực hiện Đề án, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp sẽ có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; các hộ nông dân tham gia phải áp dụng quy trình canh tác bền vững. Đề án còn mang nhiều lợi ích về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; tăng thu nhập, lợi nhuận cho người trồng lúa…
Từ những lợi ích vừa nêu, có thể nói Đề án sẽ là bước ngoặt làm thay đổi ngành hàng lúa gạo, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng chuỗi sản xuất lúa gạo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện được các mục tiêu, cần phải thu hút các nguồn lực đầu tư vào các hợp phần của đề án. Trong đó cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần rõ ràng, minh bạch để các đối tác an tâm đầu tư, chung tay cùng ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.
* Về tiêu chí lựa chọn vùng tham gia Đề án như thế nào, thưa ông?
– Lựa chọn vùng tham gia Đề án sẽ tuân thủ 4 tiêu chí. Một là, tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng: Được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và Quy hoạch vùng ĐBSCL, có diện tích liền mảnh tối thiểu là 50ha; có hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo.
Hai là, tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh: Vùng được đề xuất hiện có trên 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.
Ba là, tiêu chí về tổ chức sản xuất: diện tích có liên kết đạt trên 30% tổng diện tích, trong đó có 50% số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các HTX, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp; trên 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận; có tổ chức khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Bốn là, tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết: Doanh nghiệp tham gia Đề án phải có liên kết với HTX hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp cam kết tham gia Đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.
* Vĩnh Long sẽ tham gia Đề án trong giai đoạn này, thưa ông?
– Đối với tỉnh Vĩnh Long, do diện tích canh tác lúa không còn nhiều và trước đây không tham gia Dự án VnSat nên giai đoạn 2024-2025 chỉ đăng ký tham gia 3.200ha và đến 2030 sẽ mở rộng thêm 16.800ha để đạt 20.000ha.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2024-2025) triển khai tại 4 huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp là 3.200 ha/năm; giai đoạn 2 (từ 2026-2030) thực hiện tại các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và TX Bình Minh, sẽ phát triển diện tích canh tác 16.800ha. Riêng trong vụ lúa Hè Thu 2024, tỉnh thực hiện Đề án lồng ghép trong các mô hình canh tác IPHM trên lúa, mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ… đã triển khai các năm trước ở các huyện, thị xã.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO LY (thực hiện)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202407/phat-trien-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-buoc-ngoat-lam-thay-doi-nganh-hang-lua-gao-3185268/