(VLO) Giá mềm hơn đồ mới, mẫu mã sản phẩm đa dạng là những lợi ích của những mặt hàng “cũ người mới ta”. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc sử dụng đồ cũ cũng giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.
Thị trường đồ cũ có nhiều phân khúc, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. |
Nhiều người kinh doanh đồ cũ, đồ thanh lý chia sẻ, mua bán đồ cũ là giải pháp giúp người mua tiết kiệm chi phí mua sắm nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng. Trong đó, thị trường mua bán đồ điện gia dụng cũ, đồ nội thất được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.
Ở những cửa hàng đồ cũ, người tiêu dùng có thể tìm thấy những món đồ gia dụng mới 70-90% như tủ lạnh, tủ mát, tủ đông, tivi, nồi cơm điện, máy giặt, bếp gas, quầy pha chế, xe nước mía, bàn ghế…
Để có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng, chủ cửa hàng cũng cất công săn tìm nguồn hàng từ nhiều nơi khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và giá cả hợp lý.
Kinh doanh mặt hàng đồ cũ, đồ thanh lý hơn 5 năm, anh Trần Thanh Tuấn- chủ cửa hàng mua bán đồ thanh lý, đồ cũ Tuấn Ve (Phường 3, TP Vĩnh Long), cho biết: Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người muốn đầu tư vào khâu trang trí nội thất trong gia đình, góc làm việc, hay các không gian như cửa hàng, quán xá bằng những món đồ nội thất xịn thì cần bỏ ra số tiền rất lớn.
Do đó, “đồ cũ giá rẻ nhưng vẫn phải chất lượng, đảm bảo yêu cầu sử dụng là tiêu chí hàng đầu của người bán lẫn người mua. Khoảng 2 năm trở lại đây mặt hàng đồ cũ bán khá chạy, nhất là đồ gia dụng, điện lạnh, đồ nội thất đã qua sử dụng.
Ưu điểm lớn của việc mua đồ thanh lý là giá rẻ, nếu so với hàng mới thì hàng thanh lý có giá thấp hơn một nửa hoặc thậm chí là 2/3 so với mua mới. Không chỉ vậy, khi mua một món đồ mới và muốn bán lại thì dù có mới đến 99% giá vẫn giảm từ 30-50%.
Còn đối với các món cũ thì lúc mua đã rẻ nên khi bán lại thì gần như không mất giá và thậm chí nếu biết cách còn bán được giá cao hơn. Khi mua bán hàng cũ, phải biết cân đối giá cả, lợi nhuận để hai bên cùng vui vẻ”- anh Tuấn cho biết thêm.
Theo một số chủ cửa hàng, đồ cũ thì có nhiều, đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu nhưng làm thế nào để bán được đồ cũ thì không dễ dàng bởi không phải cứ bày bán là sẽ có người mua.
Nhiều người thích mua đồ cũ không phải chỉ bởi đồ cũ có giá rẻ mà còn bởi đồ cũ là món duy nhất với những kiểu dáng, hình dạng độc lạ mà đồ mới không thể có.
Vì vậy, nếu muốn bán mặt hàng đồ cũ nhanh cần phải “biến hóa, tân trang món đồ mua được trở nên đẹp hơn, độc hơn để thu hút khách hàng”.
Thị trường đồ cũ đa dạng, có lợi thế về giá. |
“Bên cạnh những mặt hàng dành cho phân khúc thị trường bình dân, cửa hàng cũng có những mặt hàng cao cấp, độc lạ dành cho khách hàng có nhu cầu.
Bên cạnh đó, với nghề này quan trọng nhất là phải giữ chữ tín, do đó, khi bán mặt hàng nào tôi đều thông tin cho khách hàng biết về tình trạng của sản phẩm, tỷ lệ mới- cũ, chất lượng, chất liệu. Nhờ vậy mà khách hàng tin tưởng, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn, không chỉ trong tỉnh mà còn ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Tháp…”- anh Tuấn chia sẻ.
Theo một số cửa hàng, từ vài tháng nay thị trường có bán chậm hơn do ảnh hưởng kinh tế chung, nhưng đến cuối năm là cao điểm “ăn nên làm ra” của đồ cũ bởi đây là dịp có nhiều người muốn thanh lý đồ dùng và cũng có nhiều người muốn mua lại đồ cũ về sử dụng.
Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh đồ cũ liên tục cập nhật hàng hóa, đăng thông tin sản phẩm lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm.
Vừa chọn mua xe bán hàng bằng gỗ, bàn ghế gỗ, tủ đông đã qua sử dụng về để mở tiệm cà phê, chị Lê Thu Phương (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho hay: “Vốn ít, quán nhỏ nên tôi chọn đồ đã qua sử dụng, giá rẻ hơn 50-60% so với đồ mới mà chất lượng còn tốt, mẫu mã còn đẹp nên tôi thấy rất phù hợp với nhu cầu”.
Song, theo nhiều người, tuy có nhiều lợi ích nhưng khi mua đồ cũ, đồ thanh lý vẫn tiềm ẩn không ít những rủi ro, như bị “hớ” về giá, bởi rất khó xác định được giá của món đồ cũ mà phụ thuộc vào mức giá đặt ra của người bán hoặc kinh nghiệm mua hàng.
Bên cạnh cũng khó xác định được chất lượng thật của sản phẩm có phải “tốt gỗ thật” hay chỉ “tốt nước sơn”.
Do đó, khi chọn mua đồ cũ, đồ thanh lý, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn cửa hàng có uy tín, chất lượng.
Đồng thời, cần kiểm tra kỹ các hư hỏng có thể ảnh hưởng đến chức năng sử dụng như những vết móp, méo, xước, xem sản phẩm có bị thay thế, sửa chữa hay chưa. Để tránh mua nhầm đồ cũ giá cao, hãy tham khảo giá bán sản phẩm từ nhiều cửa hàng khác nhau để chọn ra cửa hàng có giá bán tốt nhất.
Bài, ảnh: TRÀ MY