Nông dân trong tỉnh tập trung chăm sóc trà lúa Thu Đông đã xuống giống. |
(VLO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, đỉnh lũ năm, triều cường ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) trong các tháng cuối năm nay không cao như năm ngoái, mưa sẽ giảm dần từ tháng 11-12, mùa mưa kết thúc và xâm nhập mặn đến sớm… Nông dân cần làm gì để chủ động sản xuất trong điều kiện lũ nhỏ, mưa hết sớm?
Nên mở rộng, chăm sóc tốt vụ lúa Thu Đông
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đối với sản xuất lúa, để khai thác lợi thế trong điều kiện lũ nhỏ, mùa mưa kết thúc sớm thì cần mở rộng diện tích lúa Thu Đông; còn để tránh xâm nhập mặn đến sớm thì nên xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 sớm hơn.
Việc khai thác lợi thế lũ nhỏ để mở rộng diện tích lúa Thu Đông ở vùng ĐBSCL được thực hiện từ năm 2010 theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Từ năm đó đến nay, vụ lúa này trở thành vụ lúa chính trong năm ở ĐBSCL, ngay cả đối với những năm có triều cường rất cao như năm 2019, 2022, trừ những năm có giá lúa xuống thấp.
Ở Vĩnh Long, vụ lúa Thu Đông năm nay theo kế hoạch của ngành nông nghiệp dự kiến gieo sạ 30.000ha kết thúc vào giữa tháng 8 (sau con nước 25/6 âl).
Nhờ chủ động nắm bắt thông tin dự báo lũ thấp ngay từ đầu năm cộng với giá lúa lên cao, nên nông dân đã mở rộng diện tích và kéo dài thời vụ đến cuối tháng 8 với diện tích xuống giống 33.837,2ha, vượt kế hoạch 3.837,2ha, tăng 44,7% hay 10.460,7ha so với cùng kỳ năm trước.
Hiện phần lớn lúa ở giai đoạn mạ (3.770,3ha), đẻ nhánh 18.006,7ha, đòng trổ 11.052,2ha,… đã có hơn 530ha được thu hoạch.
Đến thời điểm này, nông dân chỉ việc tập trung chăm sóc lúa an toàn trước mưa lớn, bão, triều cường, sâu bệnh và đảm bảo về nguồn nước tưới, tiêu. Điều này liên quan đến công tác thủy lợi.
Do vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần thực hiện đầu tư duy tu, sửa chữa hệ thống đê bao, các trạm bơm điện cố định hoặc di động; đầu tư nạo vét, khơi thông kinh, mương nội đồng để tiến tới chủ động trong tiêu thoát, cấp nước khi gặp những điều kiện bất lợi xảy ra cho sản xuất như mưa lớn, triều cường gây ngập úng, hạn và thiếu nước cục bộ.
Một điều kiện nữa để giúp vụ lúa này đạt kết quả tốt là bón phân cân đối và quản lý chặt chẽ khâu BVTV. Sử dụng phân bón trong vụ Thu Đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng, cần phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường sức chống chịu cho lúa trong điều kiện mưa bão.
Bên cạnh, ngành chuyên môn cần tăng cường theo dõi diễn biến sâu, bệnh và thời tiết ảnh hưởng đến trà lúa đã xuống giống để dự báo, khuyến cáo, hỗ trợ nông dân phòng, trị sâu, bệnh gây hại lúa kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, giúp nông dân bán được giá cao.
Xả lũ, xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân 2023-2024
Theo các chuyên gia, để cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 tới đây xuống giống thuận lợi, lúa sinh trưởng tốt, trúng mùa thì nông dân nên xả lũ vào đồng đối với những khu ruộng trồng lúa Thu Đông vừa thu hoạch xong và xuống giống sớm.
Việc xả lũ không những có lợi là đón lượng phù sa rất lớn vào đồng nhằm tái tạo lại độ màu mỡ của đất, giúp tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng, bồi bổ dinh dưỡng cho đất, mà còn tiêu diệt các đối tượng dịch hại, sâu bệnh xuất hiện ít hơn; từ đó giúp giảm số lần phun thuốc đối với cây trồng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Địa phương trong tỉnh đã thực hiện xả lũ quy mô lớn từ nhiều năm qua là huyện Bình Tân với diện tích xã lũ hàng năm trên 6.000ha ở những khu trồng màu (đa số là khoai lang), trồng lúa sau khi thu hoạch xong. Thời điểm xả lũ, ngâm đồng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10 âl.
Kế đến, việc xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm giúp nông dân vừa “né rầy” vừa “né mặn” ở thời điểm cuối vụ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của những năm có hạn, xâm nhập mặn gay gắt là mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020, trong những năm gần đây, kế hoạch xuống giống vụ lúa này thường được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo từ đầu tháng 10, kết thúc khoảng giữa tháng 12, đối với những năm có tháng âm lịch nhuận thì xuống giống trễ hơn từ 10-15 ngày, nhưng không nên kéo dài sang tháng 1 năm sau.
Chẳng hạn như vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 45.000ha, tập trung xuống giống trong 3 đợt chính: đợt 1 (10.000ha) xuống giống từ ngày 5-20/10 (sớm hơn năm ngoái 10 ngày so với niên vụ trước), đợt 2 (30.000ha) xuống giống từ ngày 3-18/11 và đợt 3 (5.000ha) xuống giống từ 3-18/12. Theo tổng kết của Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ lúa này an toàn, không bị thiệt hại do hạn, mặn mùa khô 2022-2023.
Song song đó, các chuyên gia còn cho rằng, cần chú ý các giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo, trong đó biện pháp giống là chủ đạo.
Nông dân nên sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được sâu bệnh, tiêu chuẩn giống ít nhất đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thông qua các biện pháp như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…
Ngoài ra, cần đề phòng thiếu nước cho trà lúa Thu Đông (ở giai đoạn cuối) và vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trong điều kiện mùa mưa kết thúc và xâm nhập mặn sớm.
Do vậy, cần có kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi phù hợp, đảm bảo trữ lượng nước ngọt lớn trong hệ thống kinh, rạch, cống, đập,… để từ đó từng hộ, từng tổ chức sản xuất (HTX, tổ hợp tác trồng lúa…) dẫn nước vào các kinh, rạch nội đồng hoặc sử dụng máy bơm công suất nhỏ bơm nước vào ruộng, có thể giúp cho nông dân khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới trong những đợt khô hạn đầu mùa khô.
Nếu không có bão, áp thấp nhiệt đới bất thường và triều cường kỷ lục như năm 2022 xảy ra thì nguồn nước trong các tháng cuối năm nay được dự báo không “dư thừa” như cùng thời kỳ năm ngoái (năm 2022, khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina).
Các nơi cần chủ động linh hoạt bố trí mùa vụ sản xuất lúa phù hợp, đồng thời khai thác lợi thế từ lũ nhỏ để giúp cho vụ lúa Thu Đông năm nay và vụ Đông Xuân tới đây được an toàn, thắng lợi.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH