Xuất phát từ mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, anh Lê Tấn Thành (Khóm 3, TT Tam Bình, huyện Tam Bình) khởi nghiệp tạo nên hương vị riêng cho những món chả truyền thống và xây dựng thương hiệu sản xuất chả “không hàn the- không chất bảo quản”.
Sản phẩm của lò chả 6 Thợ được nhiều người biết đến. |
Nắm bắt cơ hội
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề sản xuất chả lụa, anh Lê Tấn Thành cho hay: Hơn 15 năm xuôi ngược từ Bắc vào Nam, làm đủ nghề từ lĩnh vực chăn nuôi thỏ, đến trồng trọt sang tài xế và nhiều lần nghiên cứu, tìm tòi, anh Thành quyết định về quê hương Vĩnh Long để dừng chân khởi nghiệp với món chả lụa.
Thời điểm cho ra sản phẩm là lúc dịch COVID-19 căng thẳng nhất, khi ấy, anh Thành không chỉ quan sát thấy nhu cầu sử dụng “đồ nguội” tăng cao trong mùa dịch, anh còn nhận thấy tiềm năng kinh doanh thực phẩm sạch.
“Lúc đó chưa có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực. Tôi may mắn là người ngược xuôi từ Nam ra Bắc nên được thưởng thức nhiều loại giò chả khác nhau, từ đó tích lũy kinh nghiệm. Sau này về quê, tôi cũng dùng các loại chả đang có trên thị trường thì lại thấy không vừa ý, nên tôi học cách làm chả không sử dụng các chất bảo quản, ban đầu là để ăn trong gia đình, đến mùa dịch thì tôi nghĩ ra ý tưởng kinh doanh chả sạch”- anh Thành chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Thành cùng vợ là chị Thị Hiền bắt tay vào việc nghiên cứu, chế biến, chỉ sau 1 tuần thử nghiệm và đưa vào kinh doanh, sản phẩm nhận được phản hồi tích cực của người dùng. Từ đó, vợ chồng anh Thành cũng tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công thức để làm ra sản phẩm phù hợp, cân bằng giữa kỹ thuật làm chả miền Bắc và điều tiết hương vị vừa miệng ăn cho người miền Nam.
“Giò chả truyền thống có nguồn gốc từ miền ngoài, nhưng nếu làm theo đúng như hương vị miền Bắc thì chả sẽ có vị ngọt gắt từ đường, bột ngọt… người miền Nam sẽ không quen. Bên cạnh mùi vị, chả có ngon hay không còn phụ thuộc vào “độ tới” của chả, đó chính là tùy vào tay nghề của người làm, đây chính là bí quyết tạo nên chả ngon”- anh Thành chia sẻ.
Chị Thị Hiền cho biết: Yếu tố quan trọng để làm nên một mẻ chả ngon còn nằm ở nguyên liệu “thịt nóng”, tức là khi heo vừa được giết mổ trong khoảng thời gian không quá 15 phút, những thớ thịt, gân vẫn còn nóng, có độ đàn hồi tốt thì người thợ nhanh tay xử lý, dù không có chất phụ gia nhưng chả vẫn giữ được độ dai, giòn tự nhiên, an toàn cho người sử dụng.
Mặc dù khởi nghiệp giữa lúc dịch bệnh là một quyết định khá mạo hiểm, nhưng nhờ tư duy nhạy bén cùng kinh nghiệm của một người am hiểu ẩm thực, sau gần 4 năm khởi nghiệp, lò chả 6 Thợ đã tìm được chỗ đứng cả trong thị trường bán lẻ và phân phối. Chả sạch của anh Thành đã được chứng nhận OCOP và được nhiều khách hàng tin dùng.
Là khách mối của chả lụa 6 Thợ hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng (TT Tam Bình) cho biết: “Tôi chọn mua chả lụa này trước hết vì tiêu chí an toàn cho sức khỏe, không chất bảo quản, không hàn the. Gia đình tôi tin dùng nhiều năm nay, đám tiệc nào cũng đặt, người thân, bạn bè ăn đều khen”.
Chú trọng chất lượng, an toàn sức khỏe
Để làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn, lò chả 6 Thợ đã có 3 lần nâng cấp thiết bị, đầu tư hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Với công suất của máy từ 200 kg/lần, sản lượng thành phẩm cung ứng cho thị trường từ 400-500 kg/tuần, riêng ngày lễ, Tết thì đơn hàng tăng 7-8 lần so với ngày bình thường. Sản phẩm 6 Thợ đa dạng như: chả lụa, chả lụa gân, thịt nguội, bò viên gân, xúc xích…
Theo anh Thành, trong kinh doanh ngành giò chả, quan trọng là phải làm sao cho sản phẩm vừa ngon, bảo quản tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại không làm giảm chất lượng sản phẩm. Do đó, lò chả 6 Thợ luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ chọn nguyên liệu đầu đến khâu chế biến và bảo quản lạnh.
“Phương châm của tôi là phải đảm bảo an toàn cho khách hàng nên luôn cẩn trọng trong tất cả các công đoạn. Tôi không sử dụng chất bảo quản nên đây được xem là điểm cộng để nhiều thực khách ưa chuộng. Bên cạnh đó, khi cơ sở đạt chứng nhận OCOP đến nay đã giúp sản phẩm nâng cao giá trị và được thị trường biết đến nhiều hơn”- anh Thành cho hay.
Để bắt kịp xu hướng kinh doanh hiện đại và thêm kênh quảng bá cho sản phẩm, ngoài cơ sở sản xuất chả, anh Thành còn mở thêm 10 xe bán bánh mì tại các xã ở Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Trà Vinh.
Theo anh Thành, ý tưởng kinh doanh mở rộng này sẽ giúp tăng cơ hội khách hàng dùng thử các sản phẩm mới, từ đó thúc đẩy việc quảng bá, nâng cao uy tín sản phẩm. Đồng thời, còn có thể giúp người dân địa phương có thêm việc làm, thêm thu nhập.
Từ đầu năm đến nay, tuy việc kinh doanh chả cũng có gặp khó khăn, doanh thu có giảm nhưng anh Thành vẫn lạc quan, kiên trì theo đuổi mục tiêu sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch.
“Sắp tới, thị trường có dấu hiệu khởi sắc, đời sống người dân khả quan hơn thì tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc kinh doanh bánh mì, đầu tư thêm thiết bị sản xuất chả, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới vừa ngon miệng vừa đẹp mắt để đáp ứng nhu cầu thị trường”- anh Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Phong- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Cơ sở sản xuất của anh Thành trang bị nhiều loại máy móc thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất, đồng thời có đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm. Với ý chí và nghị lực vượt khó, khả năng tìm tòi, sáng tạo, anh Lê Tấn Thành đã phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, tạo việc làm cho một số lao động, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
|
Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN