Hạn bà chằn làm đồng ruộng khô ráo, giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển lúa, rơm rạ thuận tiện từ đồng về nhà. |
Hiện nay, thời tiết tỉnh ta đã vào mùa mưa. Sau đợt mưa lớn, kéo dài ở nửa cuối tháng 7 và tuần đầu tháng 8 của năm, hơn tuần nay, trên địa bàn tỉnh trời rất ít mưa hoặc không mưa liên tục kèm theo nắng nóng, tiết trời oi bức. Hiện tượng đó, dân gian gọi là “hạn bà chằn” (HBC). Sở dĩ có tên gọi đó là do HBC gây thiếu nước rất dữ dội đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, “dữ” như bà chằn là vì vậy.
HBC hay còn gọi là hạn lệ, hạn bông tranh là đợt hạn trong mùa mưa ở ĐBSCL. Do ảnh hưởng của áp cao Thái Bình Dương, gió Đông Nam khô hơn lấn tới đẩy lùi gió Tây (mang nhiều hơi nước nên ẩm hơn), rồi thổi qua đồng bằng nên gây không mưa liên tục, các đợt hạn ngắn từ 5 đến trên 7 ngày.
Số liệu khí tượng nhiều năm trong tỉnh cho thấy, trung bình có 7-10 đợt không mưa liên tục 5 ngày; 4-6 đợt không mưa liên tục 7 ngày. Những đợt không mưa liên tục trên 10, 15 ngày thường xảy ra ở các tháng đầu và cuối mùa mưa (tháng 5 và tháng 11), các tháng giữa mùa mưa (từ tháng 7-10, đặc biệt là tháng 8) ít xảy ra hơn.
Trong đó, không mưa dài nhất là 22 ngày tại trạm Vĩnh Long (xảy ra từ ngày 23/10-13/11/1965), 17 ngày tại trạm Cần Thơ (ghi nhận tháng 10/1985). Tháng nhiều nhất có 3 đợt không mưa liên tục 7 ngày là vào tháng 5/1987 tại Cần Thơ, tháng 5/1987 tại Vĩnh Long.
Tháng 5, 6 và 11 xảy ra nhiều nhất các đợt không mưa nhiều ngày, khi đó lượng mưa tháng (tần suất 75%) tại Vĩnh Long: vào tháng 5 là 95mm, vào tháng 6 là 142mm và tháng 11 là 63mm. Thời gian không mưa liên tục nhiều ngày xảy ra suốt vụ Hè Thu (từ tháng 6-8), khi đó lượng mưa tháng (tần suất 75%) tại Vĩnh Long vào tháng 8 là 125mm và tại Cần Thơ là 158mm. Ngày nóng nhất trong năm (Đại thử) cũng xuất hiện vào tháng 8 (từ ngày 21-23/8).
Những năm sau năm 1975, do thủy lợi chưa được đầu tư lớn nên HBC ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và đời sống. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi, từ năm 1984-1998, năm nào tỉnh ta cũng có vài ngàn hecta lúa Hè Thu bị hạn, dữ dội nhất là năm 1987 có 30.463ha lúa bị hạn, năm 1992 có 16.000ha lúa bị hạn, trong đó có 231ha bị thiệt hại nặng.
Đi đôi với những đợt hạn là tình trạng kiệt nước sông (thấp nhất là vào tháng 5-7), phần lớn các kinh, rạch nội đồng nước vào rất ít khi triều lên và bị cạn dòng khi triều xuống, gây tình trạng thiếu nước tưới và nước sinh hoạt nặng, nhất là những hộ sống trong nội đồng xa sông lớn, và làm đình truệ giao thông thủy.
Những năm gần đây, do thủy lợi được Nhà nước và nhân dân quan tâm, đầu tư lớn. Kinh, rạch được nạo vét thông thoáng để tăng năng lực dẫn nước tưới, tiêu. Cống, đập cũng được xây dựng càng nhiều, giúp trữ lượng nước đáng kể trong đồng. Trạm cấp nước sinh hoạt được xây dựng đều khắp ở các xã, đảm bảo cấp đủ nước có chất lượng cho người sử dụng. Những biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt… và những máy bơm nước cỡ nhỏ được sử dụng rộng rãi, rất thuận tiện, đã giúp cho người dân khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng và cho sinh hoạt trong những đợt khô hạn gay gắt.
HBC còn có lợi cho canh tác vụ Hè Thu. Khi đó, đồng ruộng khô ráo giúp nông dân thu hoạch lúa nhanh, giảm hao hụt, phơi lúa đỡ vất vả hơn và còn thuận tiện để vận chuyển lúa, rơm rạ từ đồng về nhà. Ở những vùng trồng cây lấy hạt, cây lấy củ như mè, đậu, khoai lang… lợi dụng HBC để thu hoạch và làm đất ngay cho vụ kế đến; xuống giống vào lúc trời không mưa, cây trồng sẽ phát triển tốt khi trời mưa trở lại. Bên cạnh, HBC còn làm cho đường sá, môi trường không khí được khô ráo hơn sau những ngày mưa dầm…
Tuy nhiên, sau những đợt HBC là các thiên tai cực đoan thường xảy ra, khi trời “chuyển mưa” là ngay sau đó giông, lốc kéo đến, sét, sạt lở bờ sông xảy ra… Người dân cần đề phòng để tránh rủi ro, thiệt hại.
HBC là hiện tượng khí tượng ngắn hạn trong chu kỳ thường niên ở miền sông nước, một cơ cấu mùa vụ, cây trồng hợp lý và điều kiện thủy lợi, cấp nước được đầu tư, khai thác tốt sẽ lợi dụng chúng, ở một số địa phương để làm lợi cho sản xuất và đời sống.
Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, ở tuần giữa tháng 8, gió mùa Tây Nam duy trì hoạt động ở cường độ yếu đến trung bình, nên có khả năng xảy ra một đợt gián đoạn mưa kéo dài từ 3-5 ngày, có nơi nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 8, khả năng xuất hiện 2 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, nhưng sẽ làm cho gió Tây Nam hoạt động mạnh. Thời tiết chuyển xấu hơn với ngày nhiều mây, mưa giông gia tăng cả về diện và lượng. Tổng lượng mưa tuần trong tháng 8 phổ biến từ 30-70 mm/tuần, ở mức thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tuần cuối ở mức cao hơn từ 20-40%. Đề phòng giông, lốc, sét, mưa lớn và gió giật mạnh có thể xảy ra trong các cơn mưa.
|
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH