1. Giao thông:
Đường bộ: Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến Quốc lộ chạy qua, gồm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, quốc lộ 57 và Quốc lộ 80 với tổng dài là 142,2 km.
Có 10 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 262 km, nối liền các địa bàn trong tỉnh với nhau: ĐT 901: Trà Ôn-Vũng Liêm; ĐT 902:Thành phố Vĩnh Long-Long Hồ-Mang Thít-Vũng Liêm; ĐT 903: Long Hồ-Mang Thít; ĐT 904 : Long Hồ – Tam Bình; ĐT 905 : Tam Bình; ĐT 906 : Vũng Liêm-Trà Ôn; ĐT 907: Vũng Liêm-Trà Ôn-Mang Thít; ĐT 908 Lang Hồ-Tam Bình-Bình Minh-Bình Tân; ĐT 909: Mang Thít-Long Hồ-Tam Bình-Bình Minh; ĐT 910: Bình Minh – Bình Tân. Các tuyến đường tỉnh đã và đang được nâng cấp, trải nhựa, nhằm đạt tiêu chuẩn cấp IV cấp V đồng bằng. Trên các tuyến đường tỉnh hiện có 51 cầu, với tổng chiễu dài 2.631 m.
Tổng chiều dài các tuyến đường huyện là 329 km, với 150 chiếc cầu có tổng chiều dài là 5480 m.
Có 1.420 km đường xã, mặt đường trải đá, đan, nhựa chủ yếu; hầu hết số ấp ở nông thôn đã có thể thông xe 2 bánh cả hai mùa mưa nắng; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 28% số xã có đường ô tô liên ấp
Đường thủy: Vĩnh Long có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, đa dạng với khoảng 10 con sông lớn nhỏ, 40 kênh và 152 rạch, tổng chiều dài lên tới 954,1 km, mật độ bình quân 0,491 km/km2, thuộc loại cao nhất nước.
Trên địa bàn Vĩnh Long hiện có 4 bến phà (ô tô có thể qua lại) gồm phà Phà Đình Khao(sông Cổ Chiên), Phà Trà Ôn(qua cù lao Lục Sĩ Thành), Phà Vũng Liêm(qua cù lao Quới Thiền) và Phà Mang Thít(sông Mang Thít – ĐT 902).
Cảng: Vĩnh Long có 3 cảng, gồm cảng Vĩnh Long năng lực 450 ngàn tấn/năm; cảng Bình Minh năng lực 250 ngàn tấn/năm và cảng An Phước năng lực 200 ngàn tấn/năm.
2. Hệ thống lưới điện:
Vĩnh Long nhận từ lưới điện quốc gia qua trạm nguồn 220/110 kV Vĩnh Long. Hai tuyến truyền tải 220 kv Cai Lậy-Trà Nóc và Cai Lậy-Vĩnh Long đi qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh long. Trạm Vĩnh Long 220kV cấp điện chủ yếu cho 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
Tỉnh Vĩnh Long được cấp điện chủ yếu từ 2 trạm trung gian 110kv gồm: Trạm Vĩnh Long 110/22kV-2×25 MVA đặt tại Thành phố Vĩnh Long nhận điện từ đường dây 110 kV Vĩnh Long 2 -Vĩnh Long, dài 7,34 km; Trạm Vũng Liêm 110/22kV-1×25 nhận điện từ đường dây 110kV Vĩnh Long-Vũng Liêm, dài 24,42 km.
Về lưới phân phối, theo số liệu thống kê đến nay toàn tỉnh hiện có 1806,5 km đường dây trung thế. Lưới điện phân phối hiện nay đang vận hành ở 2 cấp điện áp 15 kV và 22kV, toàn bộ lưới trung thế được thiết kế ở cấp 22 kV.
Lưới điện hạ thế có tổng chiều dài 2499,7 km. Bán kính cung cấp điện của mạng lưới trung bình từ 300-400m tại khu vực thành phố, thị trấn và 600-800 m khu vực nông thôn. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ khắp 100% ấp, khóm trong tỉnh, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt cho người dân đặc biệt là các vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn tỉnh đạt 99,3%, dự kiến đến năm 2015 đạt 99,5%
3. Thủy lợi:
Hệ thống thuỷ lợi của tỉnh Vĩnh Long được đánh giá khá nhất so với 13 tỉnh vùng ĐBSCL; thuỷ lợi thực sự là yếu tố quyết định đến tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các biện pháp kỹ thuật quan trọng thâm canh tăng năng suất cây trồng, thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.
Toàn tỉnh hiện có 57 tuyến kênh cấp I; 341 tuyến kênh cấp II; 3.998 tuyến kênh cấp III nội đồng; 103 cống hở; 5.567 cống ngầm lớn, nhỏ; 14 trạm bơm; 1.534 tuyến bờ bao ngăn lũ với tổng chiều dài 3.540 km, đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2013, tổng diện tích khép kín chủ động tưới tiêu toàn tỉnh là 105.500 ha, chiếm 89,4% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh.
4. Cấp nước:
Hiện nay, có 8 nhà máy cấp nước ở thành phố Vĩnh Long, các thị trấn và khu công nghiệp Hòa Phú. Nhà máy nước thành phố Vĩnh Long có công suất 25.500 m3/ngày đêm. Cùng với các nhà máy nước toàn tỉnh hiện có 150 km đường ống các loại.
Cấp nước nông thôn có 104 trạm cấp nước tập trung với trên 100.000 m3/ngày/đêm; cấp nước sạch cho nhân dân vùng lũ có 24 công trình. Ngoài ra, còn có khoảng 6000 giếng UNICEP, cung cấp nước sạch cho các hộ riêng lẻ ở nông thôn. Tỷ hộ dân khu vực đô thị sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 97%, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập tung đạt 41%; dự kiến đến năm 2015, tỷ lệ tương ứng là 100% và 50%.
5. Thông tin và truyền thông:
Mạng lưới bưu chính toàn tỉnh hiện có 234 điểm phục vụ; các mạng di động đã triển khai được 992 trạm BTS phủ sóng trên toàn tỉnh; phát triển đến nay có 1.246.807 thuê bao; bình quân số thuê bao cố định và di động đạt 119 máy/100 dân. Các điểm Bưu điện văn hóa xã có khoảng cách trung bình 4,2 km/điểm và bán kính phục vụ một bưu cục là 3,5 km.
Công nghệ thông tin: Tỉnh đã xây dựng hệ thống trung tâm tích hợp dữ liệu kết nối cáp quang đến 45 đơn vị và 223 đơn vị trực thuộc sở, ngành, huyện, thành phố kết nối thông suốt với 2.927 máy tính kết nối dữ liệu và khai thác thông tin trên Internet. Toàn tỉnh có 23 đơn vị có trang thông tin điện tử phục vụ khai thác thủ tục hành chính.
6. Giáo dục và đào tạo:
Mạng lưới đào tạo được mở rộng, đến nay toàn tỉnh đã có 03 trưòng đại học, 03 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp, 2 trường trung cấp dạy nghề. Mạng lưới giáo dục phổ thông có 128 trường mẫu giáo, 214 trường tiểu học, 89 trường THCS, và 31 trường THPT.
Toàn tỉnh đã có 22 trường mẫu giáo, mầm non (tỷ lệ 18,18%); 80 trường Tiểu học (tỷ lệ 37,38%); 24 trường THCS (tỷ lệ 27%) và 04 trường THPT (tỷ lệ 12,9%) được công nhận đạt chuẩn và đạt chuẩn quốc gia.
Dạy nghề có 30 cơ sở dạy nghề, trong đó: 03 cơ sở thuộc các Bộ ngành, Trung ương đóng trên địa bàn; 27 cơ sở do địa phương quản lý, gồm: 01 trường Trung cấp nghề; 08 Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện, thị, thành phố; 01 Trung tâm dạy nghề thuộc Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh; 01 Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh; 06 Trung tâm dạy nghề tư thục, 02 Trung tâm giới thiệu việc làm; 02 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề và 06 cơ sở khác có tham gia dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
7. Y tế:
Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, 100% xã phường có trạm y tế và được kiên cố hoá. Tuyến tỉnh có Bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 600 giường bệnh và bệnh viện đa khoa khu vực kết hợp quân – dân y quy mô 30 giường bệnh; tuyến huyện thị xã, thành phố có 07 bệnh viện đa khoa huyện với 960 giường bệnh và 01 bệnh viện Y học dân tộc thành phố Vĩnh Long với 70 giường bệnh; tuyến xã, phường, thị trấn có 105 Trạm y tế xã, phường, thị trấn và 06 Phòng khám đa khoa khu vực với tổng số 595 giường bệnh. Bình quân trong toàn tỉnh đã có 5,3 bác sỹ/vạn dân; 21,81 giường bệnh/1 vạn dân, 90,7% trạm y tế xã phường có bác sỹ, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Mạng lưới y tế dự phòng tuyến tỉnh có 08 Trung tâm gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; tuyến huyện, thị xã, thành phố có 08 Trung tâm Y tế và 08 Trung tâm Dân số – kế hoạch hoá gia đình trực thuộc Chi Cục Dân số kế hoạch hoá gia đình tỉnh.
8. Văn hoá – thể dục thể thao:
Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm văn hóa, 1 trung tâm TDTT và 1 thư viện tỉnh; 8 trung tâm, nhà văn hóa huyện, 8 đơn vị nghệ thuật, 1 đơn vị chiếu phim và 8 thư viện. Đã hoàn thành xây dựng một số công trình văn hoá trọng điểm như Nhà tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, Khu căn cứ Cách mạng Cái Ngang, Bảo tàng tỉnh, tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, Nam Kỳ khởi nghĩa và một số công trình văn hoá khác.
Cổng TTĐT tỉnh