1. Tài nguyên đất.
Tài nguyên đất của tỉnh chủ yếu là phù sa mới sông MêKông nhưng do đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển được phân loại như sau:
Đất xáo trộn (đất vượt liếp, đất xáng thổi): có diện tích 56.528 ha (chiếm 38,25% diện tích đất tự nhiên). Qua so sánh, Vĩnh Long có nguồn đất xáo trộn thứ 2 so với các tỉnh ở ĐBSCL, đây là loại đất líp bao gồm đất vườn thổ cư, khu dân cư đô thị, đất trồng cây lâu năm và cây ăn trái.
Đất phèn: có diện tích 43.989 ha, chiếm 29,77% diện tích đất tự nhiên.
– Đất phèn tiềm tàng nông (Sp1) có diện tích 367 ha;
– Đất phèn tiềm tàng sâu (Sp2) có diện tích 12.292 ha;
– Đất phèn hoạt động sâu (Sj2) có diện tích 5.655 ha;
– Đất phèn hoạt động rất sâu (Sj3) có diện tích 25.676 ha.
Các loại đất phèn tiềm tàng nông, đất phèn tiềm tàng sâu và đất phèn hoạt động sâu không thể sử dụng cho đa dạng hoá với cây trồng cạn do hoạt động của tầng pyrite và jarosite trong đất. Riêng đất phèn hoạt động rất sâu có thể được sử dụng sản xuất cây trồng cạn theo hướng luân canh hợp lý với lúa theo hướng đa dạng hoá cây trồng.
Đất phù sa: có 30.683 ha (chiếm 20,76% diện tích đất tự nhiên) ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực các cù lao thuộc huyện Long Hồ, TX. Bình Minh, Bình Tân, Trà Ôn và Vũng Liêm. Người dân địa phương tận dụng điều kiện đất, kết hợp với khai thác thị trường nông sản để thực hiện đa dạng hoá cây trồng trên các vùng đất nầy.
Đất cát: có diện tích 275 ha, chiếm 0,19% diện tích đất tự nhiên.
Chất lượng đất tương đối cân đối các thành phần NPK, thích hợp cho phát triển ngành trồng trọt. Vùng đất ngập nước thích hợp cho việc trồng lúa, vùng đất bãi bồi ở các cù lao thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng bền vững, trong đó tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, do quá trình thực hiện mục tiêu đô thị hoá – công nghiệp hoá đã tác động trực tiếp lên quỹ đất nông nghiệp của tỉnh nên hàng năm diện tích đất nông nghiệp giảm trên 400 ha cho mục đích phi nông nghiệp.
2. Tài nguyên khoáng sản.
Đất sét của tỉnh có tổng trữ lượng là trên 200 triệu m3 có chất lượng khá tốt. Trữ lượng có khả năng khai thác là 100 triệu m3 . Sét được phân bố dưới lớp canh tác nông nghiệp với chiều dày tầng sét từ 0,4 – 1,2 m và phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả khảo sát, chất lượng sét thích hợp cho sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu tập trung Tân Mỹ, huyện Trà Ôn;, Ngãi Tứ, huyện Tam Bình; Tân Quới, huyện Bình Tân, chiếm từ 30-40% và chất lượng sét thích hợp cho sản xuất gạch ngói – vật liệu xây dựng, tập trung ở rải rác các huyện trong tỉnh.
Theo kết quả điều tra về hoạt động khai thác, sử dụng nguyên liệu sét cho thấy trên địa bàn tỉnh không có khai thác sét với qui mô công nghiệp mà chủ yếu là khai thác tận thu kết hợp cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp. Hiện tỉnh và các huyện đã lập quy hoạch chi tiết về khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản sét giúp cho công tác cấp phép, quản lý khai thác nguồn tài nguyên nầy tốt hơn.
3. Tài nguyên cát lòng sông.
Tài nguyên cát lòng sông tỉnh Vĩnh Long chủ yếu tập trung ở các tuyến sông lớn: sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Bang Tra. Kết quả khảo sát cho thấy tỉnh Vĩnh Long có 18 thân cát, tổng trữ lượng tài nguyên gần 130 triệu m3. Theo Quy hoạch được duyệt, toàn tỉnh có thể khai thác với tổng công suất bình quân từ 4 – 6 triệu m3/năm. Cát sông của tỉnh thuộc dạng cát san lấp, phân bố tại 11 thân mỏ cát nằm rải rác trên 03 tuyến: sông Tiền, Sông Hậu và sông Cổ Chiên thuộc địa bàn tất cả 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh
Khai thác, sử dụng cát lòng sông với mục đích khơi thông dòng chảy của các con sông và phục vụ cho nhu cầu san lấp mặt bằng trong xây dựng, tuy nhiên, hiện nay trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát địa hình đáy sông để khoanh định vị trí mỏ, đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ cát để cấp phép hoạt động khai thác. Đến nay đã có 69 giấy phép hoạt động khoáng sản cát sông gồm: 14 giấy phép thăm dò và 55 giấy phép khai thác nhưng hiện tại, chỉ có 14 giấy phép được phép hoạt động khai thác cát với tổng khối lượng 2.250.000 m3 .
4. Tài nguyên nước.
Nước ngầm: Theo kết quả nghiên cứu của một số công trình thăm dò thì nguồn nước ngầm ở Vĩnh Long rất hạn chế và chỉ phân bố ở một số khu vực nhất định. Các tầng nước ngầm của Vĩnh Long như sau:
– Tầng nước ngầm ở độ sâu trung bình 86,4 m, nước nhạt phân bổ chủ yếu ở vùng ven sông Hậu và sông Tiền, bề dày tầng chứa nước không lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 46.169 m3/ngày.
– Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 150 m, nước nhạt phân bổ khu vực ven sông Hậu và một số xã phía Nam tỉnh Vĩnh Long. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 86.299 m3/ngày.
– Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 333,2 m, chất nước kém không thể khai thác.
– Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 425 m. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 31.669 m3/ngày.
– Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình từ 439 m trở xuống. Nước nhạt chỉ phân bổ ở khu vực thành phố Vĩnh Long (ven sông Tiền). Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Đặc biệt đây là tầng chứa nước khoáng. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 19.520 m3/ngày.
Nước mặt: Với 91 sông, kênh, rạch trên địa bàn nguồn nước mặt của Tỉnh Vĩnh Long được phân bổ đều khắp trong tỉnh. Ba con sông lớn cung cấp nước cho hệ thống kênh rạch này là:
– Sông Cổ Chiên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, có chiều rộng từ 800-2500m, sâu từ 20-40m với khả năng tải nước cực đại lên tới 12.000-19.000m³/s.
– Sông Hậu chảy theo hướng Đông Bắc Tây Nam, song song với sông Cổ Chiên, chạy dọc theo phía Tây Nam của Tỉnh, sông có chiều rộng từ 1500-3000m, sâu từ 15-30m, khả năng tải nước cực đại lên tới 20.000-32.000m³/s.
– Sông Măng Thít : gồm 1 phần kênh thiên nhiên, 1 phần kênh đào nối từ sông Cổ Chiên tại Quới An sang sông Hậu tại Trà Ôn, sông dài 47km, có bề rộng trung bình từ 110-150m, lưu lượng cực đại chảy ra và vào tại 2 cửa sông như sau:
Phía sông Cổ Chiên: 1500-1600m³/s; Phía sông Hậu: 525-650m³/s.
Chất lượng nước tại 3 con sông lớn này hoàn toàn ngọt, chế độ thuỷ văn điều hoà, lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, ít chịu chi phối của thuỷ triều, tuy bị ô nhiễm nhẹ nhưng hoàn toàn dùng cho sinh hoạt được khi đã qua công trình xử lý nước, như vậy với tất cả các đô thị, khu dân cư có 3 con sông này chảy qua đều có thể lấy nước mặt (xử lý đạt tiêu chuẩn) để phục vụ cho nhu cầu nước ăn uống, sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất công nghiệp, du lịch, đây là những thuận lợi lớn mà ít tỉnh nào có được.
5. Khí thiên nhiên.
Theo ghi nhận, hiện có khoảng 25 hộ dân khoan giếng nước dưới đất, phát hiện các túi khí phát ra và đốt cháy được nên đã khai thác sử dụng “gas” dùng làm nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt gia đình từ các túi khí tự nhiên trong lòng đất nầy.
Tuy nhiên do chưa điều tra, khảo sát để khoanh định vị trí, xác định thành phần, trữ lượng, chất lượng các túi khí nầy để có biện pháp quản lí, xử lý việc khaii thác sử dụng khí tự nhiên dưới lòng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
6. Tài nguyên sinh vật.
Vĩnh long có hệ động vật và thực vật phong phú, đa dạng, có nhiều loại quí hiếm.
Thảm thực vật trên đất nông nghiệp bao gồm tập đoàn cây ngắn ngày và cây dài ngày. Cây ngắn ngày chủ yếu là lúa nước, phân bố khắp toàn tỉnh và vùng ĐBSCL. Lúa nước là cây có qui mô phát triển hàng đầu so với các loại cây ngắn ngày khác, nó thích hợp với môi trường sinh thái của ĐBSCL đã, đang và sẽ còn phát triển mạnh. Bên cạnh cây lúa nước, Vĩnh long còn có hầu hết các loại cây ngắn ngày nhiệt đới như màu lương thực, cây công nghiệp, rau quả và cây thuốc.
Trong tập đoàn cây dài ngày có dừa, cây ăn quả (xoài, chôm chôm, nhãn, cam, quít, chanh, bưởi, măng cụt, sầu riêng…) Đặc biệt, bưởi Năm Roi ở Bình minh và cam Sành ở Tam Bình là hai đặc sản mà không nơi nào ở ĐBSCL có chất lượng bằng và là sản phẩm xuất khẩu có triển vọng.
Hệ động vật cũng rất phong phú :lợn, bò, trâu, gà, vịt… đều đã được thuần dưỡng từ rất lâu đời; những giống nhập ngoại cũng được thích nghi tốt với môi trường địa phương.
Nguồn tài nguyên thuỷ sản rất phong phú, gồm thuỷ sản nước ngọt và lợ. Vĩnh long có 3 sinh hệ thuỷ sản chính :hệ kênh rạch; hệ hồ ao mương vườn; hệ và hệ ruộng lúa, là tiềm năng phát triển thuỷ sản chưa được khai thác tốt.
Cổng TTĐT tỉnh