Địa lý
Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh lỵ Vĩnh Long cách Thành phố Hồ Chí Minh 100 km về phía Nam theo Quốc lộ 1, cách Cần Thơ 33 km về phía Bắc theo Quốc lọ 1. Tỉnh Vĩnh Long nằm trong tọa độ từ 9°52’40’’ đến 10°19’48’’ độ vĩ bắc và 105041’18’’ đến 106017’03’’ độ kinh đông. Nhìn bao quát, tỉnh Vĩnh Long như một hình thoi nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long:
- Phía đông giáp Bến Tre
- Phía đông nam giáp Trà Vinh
- Phía Tây giáp Cần Thơ
- Phía tây bắc giáp Đồng Tháp
- Phía đông bắc giáp Tiền Giang
- Phía tây nam giáp Hậu Giang và Sóc Trăng
Sông Cổ Chiên, đoạn chảy qua thành phố Vĩnh Long
Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Vĩnh Long có dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2°, có cao trình khá thấp so với mực nước biển, Với dạng địa hình đồng bằng ngập lụt cửa sông, tiểu địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm tỉnh và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít và ven các sông rạch lớn. Tỉnh Vĩnh Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.400 – 1.450 mm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12, chiếm 85% lượng mưa cả năm, nhiệt độ tương đối cao, ổn định, nhiệt độ trung bình là 27 °C, biên độ nhiệt trung bình năm nhỏ, độ ẩm trung bình 79,8%, số giờ nắng trung bình năm lên tới 2.400 giờ.
Vĩnh Long có cấu trúc địa chất tương đồng với khu vực, chủ yếu là trầm tích biển của kỉ Đệ Tứ trong Đại Tân sinh. Vĩnh Long tuy có diện tích đất phèn lớn, tầng sinh phèn ở rất sâu, tỉ lệ phèn ít, song đất có chất lượng cao, màu mỡ vào bậc nhất so với các tỉnh trong vùng. Đặc biệt tỉnh có hàng vạn ha đất phù sa ngọt ven sông Tiền và sông Hậu (lượng phù sa trung bình là 374 g/m³ nước sông vào mùa lũ), đất tốt, độ phì nhiêu cao, trồng được hai vụ lúa trở lên, cho năng suất cao, sinh khối lớn lại thuận lợi về giao thông kể cả thủy và bộ. Vĩnh Long còn có lượng cát sông và đất sét làm vật liệu xây dựng khá dồi dào. Cát sông với trữ lượng khoảng 100 – 150 triệu m³, được sử dụng chủ yếu cho san lấp và đất sét với trữ lượng khoảng 200 triệu m³, là nguyên liệu sản xuất gạch và làm gốm.
Vĩnh Long là tỉnh đặc biệt nghèo về tài nguyên khoáng sản, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỉnh chỉ có nguồn cát và đất sét làm vật liệu xây dựng, đây là nguồn thu có ưu thế lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long so với các tỉnh trong vùng về giao lưu kinh tế và phát triển thương mại – du lịch. Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa hai con sông lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, nên có nguồn nước ngọt quanh năm, đó là tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Vĩnh Long có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, hình thành hệ thống phân phối nước tự nhiên khá hoàn chỉnh, cùng với lượng mưa trung bình năm lớn đã tạo điều kiện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.