Trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07), Công an TPHCM, một người lính bản lĩnh, say nghề và dấn thân. Hơn 20 năm qua, anh dốc lòng cùng đồng đội hoàn thành trách nhiệm của người lính thời bình.
Trung tá Nguyễn Chí Thành giơ cao Quốc kỳ Việt Nam khi cùng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam trở về, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghĩ đến nạn nhân trước hết
Đầu tháng 5, bữa cơm của Đội Công tác PCCC và CNCH (PC07) bị gián đoạn bởi chuông báo động có nhiệm vụ khẩn cấp. “Vừa có người đuối nước ở Quận 5, anh em khẩn trương” – Trung tá Thành thông báo.
Bỏ ngang chén cơm, cả đội tức tốc lấy trang phục, thiết bị, lên xe trong vòng 1 phút để đến hiện trường. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về đơn vị cũng đã vào giữa khuya. Anh Thành chia sẻ với chúng tôi, đó là một trong những ngày làm việc “nhẹ nhàng nhất” của đội. Bởi có những trường hợp ứng cứu, anh cùng đồng đội phải thực hiện trong nhiều ngày liền, với hoàn cảnh hết sức nguy hiểm.
Trung tá Nguyễn Chí Thành quê gốc Thái Bình, sinh ra, lớn lên ở Củ Chi (TPHCM). Gia đình anh từng sống ven sông Sài Gòn. Nhiều lần anh chứng kiến cảnh người dân bị tai nạn đuối nước, thi thể không còn nguyên vẹn sau nhiều ngày tìm kiếm, nhất là khi người thân của mình cũng bị đuối nước mất – rất thương tâm. “Hình ảnh ấy khiến tôi đau xót”, anh xúc động nhớ lại, cho biết, đó là động lực thôi thúc anh theo nghiệp cứu hộ cứu nạn.
Tốt nghiệp lớp 12, do gia đình khó khăn, Nguyễn Chí Thành không thi đại học mà ở nhà làm thuê kiếm sống. Năm 2001, anh tham gia nghĩa vụ CAND, rồi được phân công về làm lính chữa cháy tại Đội PCCC, Trung tâm PCCC 23, Công an TPHCM.
Tháng 4.2002, anh được điều động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại rừng quốc gia U Minh Thượng ở Kiên Giang – nhiệm vụ khó khăn đầu tiên trong sự nghiệp. Khi đó, anh cùng 30 CBCS, 20 máy bơm và 3 xe chữa cháy lên đường “ra trận”. Nơi cứu hộ, địa hình rừng hiểm trở, diện tích lớn, cây cối dày đặc, bùn sâu, có nhiều động, thực vật nguy hiểm… trong khi công cụ phục vụ chữa cháy không thể triển khai, xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường…
“Chúng tôi phải dùng sức người đào kênh dẫn nước 4km vào rừng, cứ khoảng 200m lại đặt một máy bơm chữa cháy” – anh nhớ lại.
Ở rừng, muỗi như trấu, nước tắm không có, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn, anh bị sốt cao phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, rời trạm y tế anh lại xung phong trở lại chữa cháy. Sau nhiều ngày, anh Thành cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ 700ha rừng nguyên sinh và ngăn chặn không để cháy lan sang 10.000ha rừng trồng.
Tháng 10.2002, Nguyễn Chí Thành tham gia chữa cháy và CNCH tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (Quận 1). Anh và đồng đội đã giải cứu gần 200 người bị mắc kẹt. “Đó là một trong những kỷ niệm tôi không quên được” – anh nói.
23 năm trong nghề, anh Thành tâm sự, khi đối mặt với người bị nạn, anh không có thời gian để nghĩ đến chính mình, chỉ nghĩ làm sao có thể cứu sống họ nhanh nhất có thể, hoặc ít ra cũng đưa nạn nhân về được với gia đình…
Mong được tận hiến với nghề trọn đời
Vụ việc đưa hài cốt thanh niên bị rơi xuống vực sâu tại Cao Bằng năm 2019 là minh chứng cho điều anh nói. Anh Thành đánh giá, đây là vụ CNCH khó nhất ở Việt Nam, chưa có tiền lệ, bởi nạn nhân mất dưới hang gần 3 năm, không có phương tiện gì xuống được. Hang sâu trên 220m, gần như thẳng đứng và nhỏ hẹp, có chỗ chỉ 50-60cm.
“Biết xuống hang sẽ nguy hiểm, thiếu dưỡng khí sẽ hy sinh hoặc phương tiện gặp trục trặc sẽ không lên được, chưa kể gặp chướng ngại vật, vật thể lạ dưới hang mà mình không lường trước… nhưng nếu dừng lại thì nạn nhân sẽ mãi nằm ở đó, nỗi đau của gia đình nạn nhân vẫn còn mãi, nên tôi đã xung phong xuống” – anh nói.
Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ anh mới xuống được hang, dùng tay đào bới, lượm từng miếng xương của nạn nhân bị vùi dưới lớp đá gần 1m. “Khi đưa được nạn nhân lên, người nhà đã chạy đến bên tôi quỳ xuống, chắp tay vái tạ. Nhưng tôi nghĩ đơn giản, khi người dân cần thì vất vả, nguy hiểm, hay thậm chí hy sinh cũng vẫn thực hiện” – trung tá Thành nhấn mạnh.
Nhớ lại lần cùng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Thành kể, đó là chuyến công tác suốt đời không bao giờ quên. Khi đến nơi, cả đội chưa kịp nghỉ ngơi đã phải bắt tay vào tìm kiếm dưới nhiệt độ -6 độ C, trong điều kiện không điện, không nước, phải sinh hoạt ở lều tạm.
Đội được giao vị trí trước đó nhiều nước bạn đã tìm kiếm nhưng chưa thấy sự sống. “Bằng nỗ lực của đội, chúng tôi đào từ sáng sớm tới tối, cắt sắt, dùng máy dò tìm thân nhiệt, dùng các giác quan để phát hiện nạn nhân và kỳ tích đã xảy ra” – anh xúc động kể.
Cả đội đã tiếp cận, cứu được nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát trong sự mừng vui của người nhà nạn nhân, chính quyền địa phương, các lực lượng CNCH quốc tế. Sau đó, anh tiếp tục cùng đoàn tìm kiếm được 14 thi thể.
Trung tá Thành cho biết, thời điểm đó Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bạn bè quốc tế đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phương tiện hiện đại và tính chuyên nghiệp của Đoàn Việt Nam.
Không biết bao lần Nguyễn Chí Thành bị thương, rơi từ tầng 3 xuống, chấn thương cột sống, đứt chân, đứt tay, bị ho, viêm phổi… nhưng sau đó cứ được triệu tập là anh sẵn sàng lên đường.
Ngày 13.6.2023, trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an TPHCM (PC07) là cá nhân duy nhất trong 7 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Trung tá Nguyễn Chí Thành là một trong những cá nhân được đề cử vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm nay.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/vinh-quang-viet-nam-anh-hung-cuu-hoa-nguyen-chi-thanh-hon-20-nam-tan-hien-voi-nghe-1339078.ldo