Xây dựng nông thôn mới với tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã “khoác áo mới”, hướng tới mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Đổi mới, sáng tạo xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc
Những ngày đầu khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2010, Vĩnh Phúc phải đối mặt bộn bề khó khăn. Toàn tỉnh chỉ có 14 xã đạt 10-14 tiêu chí nông thôn mới; 80 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người trong khu vực nông thôn đạt khoảng 11 triệu đồng.
Các chính sách tam nông còn dang dở, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ. Vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo khi tâm lý trông chờ, ỷ lại hiện hữu trong cách nghĩ, cách làm, tư duy của người dân.
Nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả, trong giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện những chủ chương, chính sách quan trọng tạo nền tảng, cơ sở pháp lý, bước đầu gặt hái thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025…,
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 40 thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Vĩnh Phúc thể hiện ý chí, khát vọng thay đổi bộ mặt nông thôn; Chương trình xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ; xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu – đẹp – văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển theo hướng hiện đại; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ…
Không giống các tỉnh trong cả nước – triển khai đồng loạt xây dựng nông thôn mới ở các xã, Vĩnh Phúc đã lựa chọn 20 xã chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, sau đó chỉ đạo triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí.
Điển hình, Vĩnh Phúc có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình như cơ chế hỗ trợ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh; cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn…
Đồng thời, chủ động lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các chính sách sát với thực tiễn có tác dụng thiết thực trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện chương trình.
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Những “con số” biết nói
Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và đang tiếp tục duy trì đạt chuẩn theo quy định giai đoạn 2021 – 2025.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 60 triệu đồng; 93% người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt hơn 60%…
Huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các huyện: Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô cơ bản đạt 3/4 điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đến nay, toàn tỉnh có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 81% mục tiêu kế hoạch; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 18,2% mục tiêu kế hoạch.
Cùng với đó là 190 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 140% mục tiêu kế hoạch; 13 thôn thông minh, đạt 118% mục tiêu kế hoạch; huyện Yên Lạc đang đề nghị để xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống, tinh thần người dân
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Điều đáng nói, từ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vai trò chủ thể của người dân được thể hiện rõ nét hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, dồn thửa đổi ruộng, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế…
Chỉ riêng giai đoạn 2021 – 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là hơn 7.626 tỷ đồng, trong đó, gần 1.039 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp. Qua khảo sát tại các địa phương, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới đạt 90% trở lên.
Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp một số những khó khăn, thách thức. Cụ thể, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 yêu cầu cao hơn thời điểm trước đó, nhất là tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đối với xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, trong khi đó, tỉnh hiện đang tạm dừng triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình, dự án cấp nước sạch tập trung cho các xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nhiều địa phương còn gặp vướng mắc trong duy trì tiêu chí xã nông thôn mới theo quy định của giai đoạn 2021 – 2025, nhất là đối với các tiêu chí: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa thôn, môi trường và an toàn thực phẩm…
Nhận thức rõ, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là một hành trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng từ “lượng” sang “chất”, đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao và đi vào chiều sâu.
Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, nhất là triển khai giải pháp thực hiện các dự án cấp nước, làm cơ sở hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái…
Vĩnh Phúc đã, đang và luôn nỗ lực để gặt hái những thành tựu kinh tế – xã hội. Ý nghĩa của những thành tựu đó không đơn thuần ở những con số, cân đo, đong đếm, mà quan trọng hơn cả đều vì một mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.
Đó cũng là cơ sở để có được “vương miện lòng tin” của nhân dân, từ đó xây dựng những miền quê đáng sống, thực hiện mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, kiến tạo một Vĩnh Phúc kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguồn: https://danviet.vn/vinh-phuc-xay-dung-nong-thon-moi-hien-dai-nong-dan-van-minh-20241123123234928.htm