DNVN – Vĩnh Phúc đang tích cực xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero. Hành trình “xanh” hoá này đòi hỏi sự chung tay, quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người dân để vượt qua những thách thức hiện nay.
Tại Hội nghị “Chuyển đổi xanh – nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” ngày 23/11 tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, sau gần 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 1997-2022. Quy mô nền kinh tế năm 2023 là 158,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 chiếm tỷ trọng hơn 62%.
Tuy vậy, theo ông Đông, Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, tỉnh đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero.
Trong bối cảnh này, Vĩnh Phúc đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trên thực tế việc thực hiện các giải pháp “chuyển đổi xanh” còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp trong tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh một địa phương hiện đại, bền vững.
Theo đó, tỉnh cần lồng ghép chuyển đổi xanh vào chiến lược và quy hoạch tỉnh; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, trong đó nên khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng tái tạo.
Với vai trò là một trung tâm công nghiệp, Vĩnh Phúc cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các khu công nghiệp như Bình Xuyên hoặc Phúc Yên có thể trở thành hình mẫu trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn: sử dụng chất thải của một doanh nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác.
Cùng với việc huy động nguồn lực tài chính xanh, tỉnh cần tăng cường quản lý môi trường, đẩy mạnh hợp tác và liên kết vùng. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng trong quản lý chuyển đổi xanh, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của họ trong giảm phát thải.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Chia sẻ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tỉnh cần xây dựng kế hoạch phát triển logistics phù hợp với chiến lược gia. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt. Xây dựng khu logistics, trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động.
Đặc biệt, theo ông Hải, xanh hoá là mệnh lệnh đối với các các doanh nghiệp logistics hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp phải chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hoá quy trình. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hợp tác với doanh nghiệp logistics để có giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng. Chuẩn bị kịch bản ứng phó với những biến động của thị trường và chuỗi cung ứng cũng như tận dụng tối đa hiệu quả của các FTA.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast chia sẻ, hướng đến tương lai bền vững chính là sứ mệnh mà Vingroup đang quyết liệt thực hiện. Để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, Vingroup đã khởi xướng chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh” như một cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn về việc đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển bền vững.
“Vingroup mong muốn được đồng hành cùng Vĩnh Phúc nghiên cứu các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch xanh, công nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh và lối sống xanh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng ngày càng bền vững hơn”, bà Thuỷ nói.
Với những định hướng quản trị hiệu quả, sự chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, các đại biểu có chung nhận định, Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho tỉnh nhà và đất nước.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/vinh-phuc-no-luc-xanh-hoa-de-phat-trien-ben-vung/20241123103221075