Khan hiếm đất san lấp
Giá đất (vật liệu xây dựng thông thường) dùng cho san nền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang rất khan hiếm. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiều công trình dự án xây dựng. Báo cáo từ các đơn vị liên quan cũng xác định, vấn đề này đang là một trong những nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ thực hiện.
Qua tìm hiểu, PV Báo Kinh tế và Đô thị được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đều đã bị dừng hoạt động, không cấp mới, cũng như chưa gia hạn khai thác.
Giá đất san lấp nền khoảng 160.000 đồng/khối vận chuyển đến chân công trình, đây là mức giá được cho là rất cao (so với năm trước đã tăng lên 30.000 đồng/khối). Vì giá tăng mạnh, nguồn cung vẫn cực kỳ khan hiếm, gây đình trệ nhiều dự án quan trọng, thậm chí có dự án buộc phải tạm ngừng thi công do thiếu đất.
Nhằm tháo gỡ vấn đề trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản về việc triển khai một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và năm 2025 thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, xác định việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng là nhiệm vụ cần phải được sớm giải quyết.
Cụ thể, tại Văn bản số 06/CTr-UBND ngày 10/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở TN&MT khẩn trương hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT có trách nhiệm trình UBND tỉnh phê duyệt các nội dung: thứ nhất, kế hoạch đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản theo quy định để tổ chức thực hiện việc đấu giá trong năm 2024; thứ hai, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp và khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp đất san lấp phục vụ thi công các công trình, dự án tại địa phương.
Đồng thời, chủ động khắc phục theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền khắc phục các nội dung tồn tại, vi phạm của các điểm mỏ theo quy định. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chủ điểm mỏ thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định.
Tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 2208/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 12/8/2024 và Văn bản số 2266/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 16/8/2024 đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (đất san lấp) trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025; đề nghị khẳng định sự phù hợp các vị trí đề xuất đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản với quy hoạch tỉnh.
Sau khi nghiên cứu, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để có đủ căn cứ cơ sở cho UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung thông tin các vị trí điểm mỏ, đảm bảo theo các tiêu chí: không chồng lấn khu vực phát triển du lịch; không chồng lấn với quy hoạch an ninh quốc phòng; không trùng các điểm cấm khai thác và các công trình di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, tôn giáo; không ảnh hưởng đến các loại hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, đường điện, hồ đập, …), hạ tầng xã hội (nếu có).
Hạn chế ảnh hưởng đến các khu dân cư và hạn chế phá vỡ hạ tầng dân cư nông thôn; thuận tiện về đường vận chuyển, khai thác; thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Góp ý kiến về các vị trí điểm mỏ cụ thể trong Dự thảo kế hoạch, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng có 7 vị trí tại huyện Sông Lô và 1 vị trí tại huyện Lập Thạch phù hợp với danh mục các vị trí được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Với 4 vị trí tại huyện Tam Đảo, đề nghị Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, bổ sung thông tin vị trí, diện tích đảm bảo phù hợp với các khu vực đã được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Ngoài ra, 2 vị trí tại huyện Bình Xuyên, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024); và theo Quy hoạch chung đô thị Bình Xuyên (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2313/QĐ UBND ngày 23/10/2023) thì khu vực đồi Đồng Giang, thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (tiếp giáp đường Vành đai 5 Hà Nội) là đất du lịch, dịch vụ. Do vậy, đề nghị không đưa vào danh sách đấu giá thí điểm và kế hoạch đấu giá giai đoạn 2024 – 2025.
Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024, tuy nhiên hồ sơ kỹ thuật về phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh chưa được ban hành. Do vậy, đề nghị Sở TN&MT làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất, báo cáo UBND tỉnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-nan-giai-viec-cung-cap-dat-san-lap-phuc-vu-cac-du-an.html