Bến đỗ của nhiều nhà đầu tư lớn
Nếu như năm 1998, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ có vỏn vẹn 8 dự án FDI và 1 dự án DDI, thì đến nay, toàn tỉnh có 473 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142.000 tỷ đồng. Cùng với đó, 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Có thể thấy, đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chuyển giao công nghệ cho địa phương. Sự hiện diện của các công ty nước ngoài đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, từ đó làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Sự có mặt của nhà máy Toyota Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy không chỉ cung cấp hàng triệu xe ô tô cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Điều này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn mà còn giúp nâng cao vị thế của Vĩnh Phúc trên bản đồ công nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, việc lan tỏa văn hóa làm việc, nguyên tắc sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng từ các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp nâng cao tay nghề của lực lượng lao động địa phương. Các chương trình huấn luyện, đào tạo nghề và các hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp nước ngoài đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với Toyota, hàng loạt nhà đầu tư lớn đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan cũng rót tiền đầu tư tại Vĩnh Phúc. Để có được thành công này, Vĩnh Phúc xác định cải cách hành chính là yếu tố then chốt. Tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Mô hình “một cửa liên thông” là một trong những điểm nổi bật, giúp nhà đầu tư giảm thiểu được thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Các khu công nghiệp hiện đại như, Khu Công nghiệp Bình Xuyên, Khai Quang được hình thành với đầy đủ các tiện ích và dịch vụ hỗ trợ. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã thiết lập các trung tâm hỗ trợ đầu tư, nơi cung cấp thông tin và tư vấn cho nhà đầu tư về các quy định, chính sách, và các cơ hội đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và tín dụng đầu tư, tạo điều kiện lý tưởng để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn tạo dựng được niềm tin.
Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể như: thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2 – 2,5 tỷ USD, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cho biết: Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; đồng hành, hỗ trợ, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh và sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, triển khai dự án sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp phép đầu tư và các giấy phép liên quan cho doanh nghiệp…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Sẽ là một điểm cộng, một sức hút lớn nếu như địa phương nào sở hữu nguồn lao động dồi dào và có chất lượng. Bởi vậy, Vĩnh Phúc đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng và trung tâm dạy nghề trong tỉnh đã nỗ lực cải thiện chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
Mặt khác, Vĩnh Phúc không ngừng nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc. Các dự án phát triển đô thị hiện đại, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ giải trí được đầu tư mạnh mẽ, tạo nên một không gian sống lý tưởng cho nhân viên, người lao động và gia đình họ.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc cũng ưu tiên mời gọi thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/vinh-phuc-lam-to-don-cac-nha-dau-tu-i387559/