Trong những năm qua, vai trò, vị thế của phụ nữ Vĩnh Phúc trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng được khẳng định rõ nét.
Bằng sự khéo léo, đảm đang của mình, phụ nữ Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia lao động, làm việc trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công, làng nghề truyền thống. (Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc) |
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 578.000 nữ, chiếm trên 50% dân số, trên 47% lực lượng lao động của tỉnh. Nỗ lực an sinh xã hội đồng thời thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, những năm qua, phụ nữ Vĩnh Phúc được tạo mọi điều kiện để phát huy năng lực của bản thân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp ở tỉnh là 18,46%, tăng 4,14% so với nhiệm kỳ 2015 – 2020, cao hơn yêu cầu của Trung ương; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở 3 cấp là 25%, tăng 3,35% so với nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đạt gần 30%. 98% các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp có cán bộ nữ tham gia Ban Giám hiệu… Nếu như năm 2007, số lao động nữ trong các doanh nghiệp là 33.034 người, thì hết năm 2022 con số này đã đạt trên 114.000 người.
Những con số tích cực này có được là nhờ những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển toàn diện, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết, đề án hoặc lồng ghép các cơ chế, chính sách dành cho phụ nữ trong các nghị quyết mang tính an sinh xã hội.
Có thể liệt kê nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 – 2025, trong đó, tập trung hỗ trợ đối tượng là phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi có chồng, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng nông thôn, vùng miền núi, đối tượng bảo trợ xã hội tự nguyện thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài giai đoạn 2017 – 2021; Nghị quyết số 06 về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 – 2025, có những quy định cụ thể ưu tiên cho phụ nữ; Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp hàng tháng của từng chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã quy định rõ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ được hưởng mức phụ cấp 1,0 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 1; 0,9 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 2; 0,8 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 3; Chi hội trưởng phụ nữ được hưởng mức phụ cấp là 0,3 mức lương cơ sở.
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội đã xây dựng chương trình công tác theo giai đoạn để đề xuất, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ. Các phong trào như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau thường xuyên, giúp nhau lúc giáp hạt”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… thường xuyên được duy trì và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao trình độ, nghề nghiệp; hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp. Phụ nữ Vĩnh Phúc cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực như phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái hay ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động doanh nghiệp cho doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Nhờ đó, phụ nữ Vĩnh Phúc đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo vùng tập trung, liên kết, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường; tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Bằng sự khéo léo, đảm đang của mình, phụ nữ Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia lao động, làm việc trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công, làng nghề truyền thống hoặc chủ động du nhập, phát triển các nghề mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Trong công tác giáo dục, tỉnh đẩy mạnh các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về giới, trách nhiệm với nữ giới cho học sinh, giúp các em lựa chọn ngành nghề, trường học phù hợp, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Các cơ sở giáo dục cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào hoạt động giảng dạy chính khóa, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giao lưu, triển lãm, hội thảo, sân khấu hóa…
Mặc dù công tác bình đẳng giới vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chiến lược, giải pháp để không ai bị bỏ lại phía sau của các cấp chính quyền, vai trò, vị thế của phụ nữ Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục được khẳng định và nâng cao, để họ tự tin, tỏa sáng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.