Vĩnh Phúc với truyền thống năng động, sáng tạo và có những hướng đi mang tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, với tháp dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào cùng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở mức cao đang trở thành điểm đến giàu tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Năm 2023, hai nước Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng với sự phát triển của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản cũng phát triển nhanh chóng, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Nhà đầu tư hàng đầu
Với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ chế ưu đãi đầu tư, Vĩnh Phúc đang thực sự trở thành một mảnh đất giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Tính đến hết tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án đến từ Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký 1,8 tỷ USD, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như Honda, Toyota, Nissin, Exedy, Sumitomo…
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư đứng thứ hai về vốn đăng ký và số dự án. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, khuôn mẫu, linh kiện điện tử… Các dự án của Nhật Bản được triển khai đúng tiến độ cam kết và hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Hầu hết các dự án của Nhật Bản đầu tư tại Vĩnh Phúc đều thành công và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Vinamik, Vilico nhấn nút thực hiện nghi thức khởi công Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Vĩnh Phúc cũng chú trọng đẩy mạnh công tác vận động các chương trình, dự án ODA Nhật Bản, tiêu biểu như Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc giúp giải quyết được một số vấn đề bất cập hiện nay như thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện hệ thống giao thông góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Ngoài ra, đối tác Nhật Bản cũng đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành đồ án quy hoạch chung đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng Khu đô thị Đại học tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 2000 ha.
Để chào đón các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc, tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 6.000 ha, có vị trí nằm dọc các trục quốc lộ thuận lợi về giao thông, trong đó 18 khu công nghiệp có diện tích trên 5.200 ha và 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600 ha. Tỉnh cũng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư.
Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi hội đàm với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. |
Môi trường đầu tư thường xuyên được tỉnh chú trọng cải thiện. Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 68,91 điểm, xếp vị trí thứ 8 về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong các chỉ số thành phần PCI, Vĩnh Phúc nổi bật ở vị trí thứ 4 cả nước với chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Các thiết chế pháp lý, chi phí thời gian và tính năng động của chính quyền địa phương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong vùng Thủ đô. Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc còn được đánh giá cao nhờ tính minh bạch, lành mạnh và công bằng.
Tỉnh Vĩnh Phúc luôn chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc, đặc biệt là các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0; đổi mới sáng tạo.
Sôi động các lĩnh vực hợp tác
Bên cạnh hợp tác kinh tế, đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến các hoạt động tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương của Nhật Bản. Đến nay, tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác với hai địa phương của Nhật Bản là tỉnh Akita (2015) và tỉnh Tochigi (2021), trong đó chú trọng tập trung vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại giữa hai bên.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, Sở Công nghiệp-Lao động và Du lịch tỉnh Tochigi và Tập đoàn Sumitomo – chủ đầu tư Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc ký thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư trước sự chứng kiến của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Lãnh đạo tỉnh Tochigi. |
Về hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã hợp tác với một số đối tác của Nhật Bản như Hiệp hội đầu tư khu vực Nhật Bản, Trung ương Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghiệp đoàn các doanh nghiệp tỉnh Okayama đưa lao động, thanh niên của tỉnh sang thực tập kỹ năng lao động, làm việc tại Nhật Bản…
Văn hóa cũng là một điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các đối tác Nhật Bản. Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, đón tiếp các đoàn nghệ thuật của Nhật Bản tới biểu diễn như đoàn văn hóa nghệ thuật tỉnh Nagano; giao lưu văn hóa nhân dân kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản; Triển lãm hoa anh đào tại quảng trường TP. Hồ Chí Minh; TP. Vĩnh Yên và tổ chức ngày Lễ tạ ơn Lao động Nhật Bản hàng năm…
Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). |
Các sự kiện không chỉ mang lại không khí tươi mới cho người dân địa phương mà còn góp phần quảng bá văn hóa, con ngưòi Nhật Bản và tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước.
Với sự quan tâm của Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam- Nhật Bản nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương Nhật Bản nói riêng sẽ ngày càng phát triển.