Vĩnh Long thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại với doanh nghiệp Ấn Độ
Hội nghị nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ tiếp cận các dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại tại tỉnh Vĩnh Long; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Sáng ngày 5/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp ấn độ với tỉnh Vĩnh Long.
Hội nghị là một sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ (7/01/1972-7/01/2024), và là dịp để tỉnh Vĩnh Long giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh đến với các đối tác Ấn Độ.
Hội nghị gồm phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận với các chuyên đề về lĩnh vực thương mại – đầu tư, giáo dục – du lịch – công nghệ thông tin và y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính cho rằng, Hội nghị nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiếp cận các dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại tại tỉnh Vĩnh Long |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính cho rằng, Hội nghị lần này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiếp cận các dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại tại tỉnh Vĩnh Long; là cơ hội để các bên cùng chia sẻ tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Với tiềm năng sẵn có, với tình cảm và mong muốn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, tỉnh Vĩnh Long sẵn sàng hợp tác với các Tập đoàn, các Hội, Hiệp hội, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Ấn Độ để cùng phát triển, cùng có lợi trong xu thế hội nhập với nền kinh tế quốc tế và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công tốt đẹp.
Ông Đặng Văn Chính cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là tập trung thu hút mời gọi đầu tư, thương mại phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt chú trọng mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, lĩnh vực y tế, dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp, tập đoàn Ấn Độ.
Về phía đối tác Ấn Độ, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Madan Mohan Sethi đánh giá cao tiềm năng của tỉnh Vĩnh Long và cho rằng, nơi đây có vị trí không xa TP.HCM, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, rất thuận lợi cho nhà đầu tư Ấn Độ.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long trong khuôn khổ Hội nghị |
Ông Madan Mohan Sethi chia sẻ: “Trên cơ sở mối quan hệ nồng thắm, tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua, với cương vị của mình tôi sẽ làm tất cả để kết nối các doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Long để đầu tư trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng hợp tác như: Giáo dục, y tế, sản xuất máy móc nông nghiệp…”
Tương tự, ông Prakash Babu Katarapu, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển kinh tế bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cũng nhận định, giữa Vĩnh Long và Ấn Độ có rất nhiều cơ hội, tiềm năng hợp tác, đặc biệt là: Y tế, giáo dục, thủy sản, chế biến lương thực- thực phẩm, may mặc…Theo ông, tiềm năng có rồi, nhưng để hiện thực hóa thành kết quả cụ thể, hai bên cần có nhiều chuyến thăm, giao lưu, kết nối, chia sẻ để hiểu rõ hơn nhu cầu của nhau, từ đó xúc tiến, thúc đẩy các dự án đầu tư, hoạt động giao thương để cùng nhau hợp tác phát triển.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính tái cam kết “Vĩnh Long luôn chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đã, đang và sẽ đầu tư tại Vĩnh Long, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kết nối Doanh nghiệp – Doanh nghiệp, Doanh nghiệp – Chính quyền nhằm phát triển thương mại, đầu tư bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên”.
Riêng với tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với thị trường Ấn Độ đạt khoảng 1,33 triệu USD, chiếm khoảng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: giày các loại, hàng may mặc. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 2 triệu USD, chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh với các mặt hàng: nguyên liệu sản xuất dược phẩm, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc (gạo DDGS).