Cùng với sự phát triển của ẩm thực, tàu hũ ky (cách gọi của người miền Nam đối với váng đậu) dần xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày để chế biến cả món chay lẫn món mặn. Do đó, nhu cầu sử dụng tàu hũ ky trong ngày Tết cũng tăng cao.
Với thị trường tiêu thụ rộng ra các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, làng nghề sản xuất tàu hũ ky Mỹ Hòa ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang hoạt động hết công suất để đảm bảo đơn hàng phục vụ Tết.
Đến thăm các cơ sở sản xuất trong làng nghề ngày giáp Tết Giáp Thìn có thể cảm nhận được sức nóng từ các bếp lò.
Dịp Tết, nhà nào cũng đỏ lửa suốt ngày đêm, chỉ đến đêm 29 Tết âm lịch, người dân mới bắt đầu tạm ngưng hoạt động để có vài ngày vui Xuân đón Tết.
Theo người dân làng nghề, nghề làm tàu hũ ky rộn ràng nhất vào dịp Tết và 3 mùa rằm lớn trong năm là rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng 10 âm lịch.
Dưới sức nóng âm ỉ của các bếp lò, những người thợ lành nghề vẫn miệt mài “chăm sóc” để từng lá tàu hũ đạt chất lượng.
Nghề làm tàu hũ ky rộn ràng nhất vào dịp Tết và 3 mùa rằm lớn trong năm là rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng 10 âm lịch.
Tại Cơ sở sản xuất tàu hũ ky Thành Đạt (xã Mỹ Hòa), gần 10 lao động đang tất bật với các cộng đoạn rạch vòng, vớt tàu hũ treo lên sào phơi, vắt đều phải sử dụng thuần thủ công. Những lá, cọng tàu hũ ky được tận dụng sức nóng của lò để phơi khô ngay trên giàn. Những người thợ nấu phải chịu sức nóng khá lớn từ các bếp lò để có thể thao tác các công đoạn.
Bà Nguyễn Thị Thành, Chủ cơ sở sản xuất tàu hũ ky Thành Đạt, cho biết ngày thường, cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 4-5 tấn tàu hũ ky, trong dịp Tết lượng đơn đặt hàng tăng gần 30% nên các cơ sở đều tăng công suất, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Mỗi người thợ nấu vào ca khoảng 22-24 giờ đồng hồ, đây là công việc khá vất vả do phải chịu sức nóng tỏa ra từ các bếp lò, vừa phải làm việc suốt để đảm bảo lá tàu hũ ky được ngon, chất lượng.
“Dịp Tết, cơ sở cũng mong đơn hàng tăng lên để có thêm lợi nhuận, tăng thu nhập cho nhân công. Làm vất vả suốt năm, ai cũng trông mong ngày Tết sẽ sung túc, đủ đầy hơn,” bà Thành chia sẻ.
Tại Cơ sở Sản xuất tàu hũ ky Thanh Cường (xã Mỹ Hòa), dịp Tết năm nay cơ sở cho hoạt động liên tục 3 lò than, trung bình mỗi ngày sản xuất được 140-150kg tàu hũ ky. Tại cơ sở, nhân công vừa tất bật nấu tàu hũ ky, vừa đóng gói, người thì lên đơn hàng chuẩn bị đi giao cho khách.
Đơn hàng nhiều, các cơ sở sản xuất tàu hũ ky hoạt động liên tục cũng tạo điều kiện cho người dân địa phương có thêm thu nhập.
Tranh thủ những ngày cận Tết, bà Lê Thị Huỳnh Nga, xã Mỹ Hòa tất bật làm thêm ở các cơ sở sản xuất trong tổ hợp tác để có thêm thu nhập. Công việc đóng gói không đòi hỏi kỹ thuật, chũ yếu cần sự chịu khó nên phù hợp với tuổi tác và sức khỏe.
“Dịp Tết tôi làm gần như mỗi ngày. Làm ăn sản phẩm nên mình tranh thủ làm sớm thì được nhiều, xong việc ở cơ sở này thì sang chỗ khác để làm. Phụ đóng gói, dán nhãn một buổi sáng cũng hơn 100.000 đồng. Có thêm thu nhập cũng mua sắm đồ Tết được,” bà Nga nói.
Theo ông Đinh Công Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tổ hợp tác hiện có hơn 30 thành viên. Trước đây, người dân làng nghề chủ yếu sản xuất tàu hũ ky, hiện nay các cơ sở đã đa dạng các sản phẩm với nhiều loại như tàu hũ ky cọng khô, cọng non, lưỡi trâu, cá cơm… để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Sản phẩm làng nghề, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được khách hàng ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng.
Dịp Tết năm nay, lượng đơn đặt hàng của tổ hợp tác tăng lên hơn 20%, các cơ sở hoạt động đỏ lửa ngày đêm. Công việc đòi hỏi nhiều nhân công nên cũng góp phần tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.
Ông Đinh Công Hoàng phấn khởi nói: “Dịp Tết về làng nghề sẽ thấy không khí sản xuất của người dân nơi đây tất bật. Nhà nhà đỏ lửa nấu tàu hũ ky ngày đêm. Tết đến, Xuân về, người dân làng nghề phấn khởi khi sản phẩm tàu hũ ky nhộn nhịp ra chợ và được khách hàng tin tưởng”./.