Phóng viên: Khai thác, phát huy giá trị di sản, Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng có nhiều chương trình quảng bá du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo ông, cách làm bảo tồn và phát huy di sản của Vịnh Hạ Long đã đi đúng các tiêu chí của UNESCO?
Ông Jonathan Baker: Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến đáng kể trong việc thống nhất bảo tồn và phát huy di sản dựa trên các tiêu chí của UNESCO.
Sự sẵn lòng giải quyết những thách thức do quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch nhanh chóng đặt ra thể hiện cam kết của họ trong việc duy trì tính xác thực và tính toàn vẹn của khu di sản.
Tiêu chí của UNESCO nhấn mạnh sự cần thiết của quản lý tổng hợp và sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo cách tiếp cận bền vững được phản ánh trong suốt chuỗi giá trị du lịch nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa và thiên nhiên của khu di sản.
Cộng đồng địa phương đóng vai trò tích cực trong các hoạt động du lịch, quảng bá di sản văn hóa và thu được lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, việc giám sát và điều chỉnh liên tục là cần thiết để bảo đảm các hoạt động du lịch không làm tổn hại đến giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long.
Phóng viên: Để làm tốt công tác quản lý Vịnh Hạ Long, ngoài yếu tố nhân lực, thì vai trò của người dân rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng, chủ thể là người dân bản địa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản?
Ông Jonathan Baker: Cộng đồng, đặc biệt là người dân bản địa, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn Vịnh Hạ Long. Kiến thức sâu sắc của họ về hệ sinh thái, truyền thống và các hoạt động bền vững địa phương là vô giá để quản lý di sản hiệu quả.
Các sáng kiến du lịch dựa vào cộng đồng có sự tham gia tích cực của người dân bản địa trong việc hướng dẫn và giới thiệu các hoạt động văn hóa đã bảo vệ sinh kế truyền thống và làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách, thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn giữa khách du lịch và khu di sản.
Phóng viên: Theo ông, hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường có nên là một hướng đi cho Vịnh Hạ Long nói riêng và các di sản thiên nhiên thế giới nói chung để khai thác hài hòa và bền vững di sản?
Ông Jonathan Baker: Hạn chế du lịch đại chúng và tập trung vào các hoạt động du lịch bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Vịnh Hạ Long và các di sản thế giới khác.
Bằng cách ưu tiên chất lượng hơn số lượng, Việt Nam có thể bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của vịnh đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo, phong phú cho du khách.
Các bạn cần tăng cường công tác quản lý Vịnh Hạ Long bằng các nguồn lực bổ sung để cải thiện việc giám sát và bảo tồn.
Du khách phải chịu trách nhiệm bảo vệ và bảo tồn các di sản, điều này có thể đạt được thông qua truyền thông và giáo dục có mục tiêu về du lịch có trách nhiệm.
Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận bền vững và các giải pháp rõ ràng giúp Vịnh Hạ Long trở thành hình mẫu cho các địa phương khác trên toàn quốc.
Các chính sách như hạn chế tiếp cận các khu vực nhạy cảm, chứng nhận du lịch sinh thái cho các nhà khai thác và khuyến khích du lịch có tác động thấp sẽ bảo đảm tính bền vững lâu dài của khu vực.
Nguồn: https://nhandan.vn/truong-dai-dien-unesco-tai-viet-nam-cong-hien-cua-viet-nam-cho-vinh-ha-long-la-mot-thi-du-mau-muc-trong-cong-tac-bao-ve-di-san-thien-nhien-the-gioi-post848602.html