Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa được trao cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Từ năm 2018, Giải thưởng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc, góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh, hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Sau 05 lần trao Giải thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu, trên toàn quốc có những đóng góp tích cực, nổi bật cho phát triển văn hóa đọc.
Báo cáo công tác tổ chức xét và trao tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc, Phó Vụ Trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung chia sẻ: Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI được thực hiện theo Quy chế mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023. Điểm mới của Quy chế là các tập thể, cá nhân có thời gian tổ chức, tham gia tổ chức hoặc đóng góp cho phát triển văn hóa đọc tối thiểu 03 năm liên tục và chưa được tặng Giải thưởng trong khoảng thời gian 03 năm tính đến năm đề nghị xét tặng, tổ chức được các mô hình hoạt động văn hóa đọc hiệu quả có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt hơn nữa là cá nhân đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có ít nhất 01 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Giải thưởng Phát triển văn học đọc lần thứ VI được triển khai từ tháng 9/2023 đến hết ngày 31/12/2023, ban tổ chức nhận được 78 hồ sơ từ địa phương, bộ đề nghị xét tặng (tăng 14,7% so với năm 2022); trong đó, có 36 hồ sơ tập thể và 42 hồ sơ cá nhân. Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm lựa chọn và trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Giải thưởng cho 30 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: “Báo cáo công tác tổ chức, xét tặng Giải thưởng của Ban tổ chức cho thấy năm nay số lượng hồ sơ đề xuất nhiều hơn so với các năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sức lan tỏa và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lĩnh vực thư viện đối với Giải thưởng.
Đặc biệt, qua phóng sự “Phát triển văn hóa đọc hướng về cơ sở”, tôi thật sự xúc động trước tình cảm, sự tâm huyết với văn hóa đọc của các tập thể, cá nhân trong suốt chặng đường vừa qua. Hình ảnh bác Đào Quang Huy, cựu giáo chức hơn 90 tuổi vẫn miệt mài ngày đêm quyên góp sách và phục vụ bạn đọc ở địa phương; Em Trần Thúy Nga một người khuyết tật vẫn hết mình quản lý thư viện phục vụ miễn phí… và còn nhiều những mô hình phát triển văn hóa đọc vẫn đang âm thầm, lặng lẽ phục vụ cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Điều đó chứng tỏ, không chỉ những người làm thư viện vẫn miệt mài thầm lặng xây dựng văn hóa đọc mà đã được cộng đồng chung tay góp sức, người dân – những chủ thể hưởng thụ văn hóa đã và đang trực tiếp tham gia xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở”.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, xây dựng văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đưa sách đến gần với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, giới thiệu sách, triển lãm sách, tặng sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe ô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác. Bên cạnh việc tổ chức theo phương thức truyền thống, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người.
“Đồng thời, tôi hy vọng mỗi tập thể, cá nhân được vinh danh sẽ là những ngọn lửa cùng thắp sáng và lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc, để ý nghĩa Giải thưởng của chúng ta không chỉ dừng ở buổi lễ hôm nay mà sẽ là động lực khích lệ, động viên ngày càng nhiều hơn các tổ chức, cá nhân đồng hành chung tay góp sức phát triển văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng” – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Bên cạnh đó, để Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị, trong thời gian tới, Vụ Thư viện với vai trò là cơ quan thường trực cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, chủ động phát hiện, mở rộng, đa dạng hóa đối tượng trong mọi lĩnh vực, mô hình trong thực hiện. Tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập và có giải pháp hỗ trợ duy trì bền vững các mô hình thư viện ở cơ sở, đặc biệt là thư viện do người dân, cộng đồng đang chung tay đóng góp, tăng cường, đổi mới công tác truyền thông nhằm lan tỏa ý nghĩa và giá trị của Giải thưởng.
Trong khuôn khổ Lễ tổng kết và trao giải thưởng, Ban tổ chức còn thực hiện trưng bày, triển lãm một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc. Ngoài ra, nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024./.