Công chúng đang dành sự chú ý đối với doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài.
Nguồn tiền dự kiến được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh… giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Trong thông cáo, phía tập đoàn của tỷ phú Vượng cho hay, ngân sách được huy động từ 2 nguồn: kinh phí từ tập đoàn cùng các công ty thành viên và đóng góp tự nguyện của hơn 130.000 cán bộ công nhân viên Vingroup trên toàn hệ thống. Theo nhấn mạnh của doanh nghiệp, tinh thần là “không có người Vingroup nào đứng ngoài mất mát, đau thương của đồng bào”.
Con số 250 tỷ đồng tài trợ đối với một doanh nghiệp là rất lớn. Theo đánh giá của độc giả, trong công tác từ thiện quan trọng là tấm lòng và cách làm, tùy vào điều kiện của từng cá nhân, tổ chức, không quan trọng số tiền nhiều hay ít. Tuy nhiên, nếu có thể đóng góp được nguồn lực lớn thì sẽ mang lại cơ hội nhiều hơn cho đồng bào để vượt qua khó khăn nghịch cảnh, gây dựng lại cuộc sống.
Phía Vingroup cũng nhìn nhận chủ động và tiên phong sát cánh cùng cộng đồng vượt qua khó khăn thách thức trong vai trò là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng đang được ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam trong khi Vingroup, Vinhomes là những doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Tại ngày 13/9, giá trị vốn hóa thị trường của VIC đạt 164.035 tỷ đồng và của VHM đạt hơn 187.238 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup – theo ghi nhận của Forbes là 4,3 tỷ USD.
Về phía Vingroup, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã được soát xét của Vingroup, tại thời điểm 30/6, tập đoàn có 28.565,4 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng gần 583 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng là 27.340,9 tỷ đồng.
Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận 64.065,6 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm; lãi sau thuế 2.053,6 tỷ đồng, lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 4.415,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, lãi sau thuế của Vingroup tăng mạnh gấp hơn 2 lần.
Ông Phạm Nhật Vượng từng nằm trong danh sách những nhà từ thiện hàng đầu châu Á (Heroes Of Philanthropy – Anh hùng từ thiện) năm 2020 và năm 2021. Nhớ lại giai đoạn trên, tổng giá trị mà Vingroup đã tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam lên tới hơn 2.287 tỷ đồng.
Quỹ Thiện Tâm của Vingroup ra đời từ năm 2006, với toàn bộ chi phí hoạt động được tài trợ bởi Vingroup và các lãnh đạo tập đoàn này. Bắt đầu từ năm 2022, Vingroup đã giảm tỷ lệ đóng góp vào Quỹ Thiện Tâm. Thay vào đó ông Phạm Nhật Vượng và cán bộ nhân viên Vingroup tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Thiện Tâm để cân bằng lợi ích của Vingroup, cổ đông và các đối tác liên quan khác.
Ông Phạm Nhật Vượng trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn trên báo chí từng nói: “Tôi không có nhu cầu gì nhiều. Cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ… có rồi”. Ông cũng không có ý định mua máy bay riêng vì “người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ”. Quan điểm của Chủ tịch Vingroup là: Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu.
Ông cũng bày tỏ, không quan tâm đến việc lọt vào top giàu nhất thế giới. “Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”, ông nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vingroup-ung-ho-250-ty-dong-ong-pham-nhat-vuong-giau-nhu-the-nao-20240914100237563.htm