Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ.
Theo Reuters, vài giờ trước khi sàn Nasdaq mở cửa phiên ngày 15/8, VinFast tăng giá trị hơn gấp đôi trong các giao dịch trước giờ mở cửa.
Thống kê cho thấy, có lúc, giá cổ phiếu VFS lên 28 USD/cp, so với mức gia tham chiếu 10,45 USD.
Tính tới 20h40, cổ phiếu VFS được giao dịch ở mức 19,2 USD/cp, qua đó đưa vốn hóa của VinFast Auto Ltd. lên cao.
Trước đó, hôm 14/8, VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (“Black Spade”) đã hoàn tất hợp nhất kinh doanh sau khi các cổ đông Black Spade bỏ phiếu chấp thuận giao dịch vào ngày 10/8. Công ty niêm yết sau sáp nhập có tên là VinFast Auto Ltd (VFS), do Tập đoàn Vingroup nắm 51,52%. Sau hợp nhất, Black Spade trở thành công ty con thuộc sở hữu của VinFast Auto Ltd.
Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ hồi tháng 6, VinFast được định giá khoảng 23 tỷ USD. Công ty sau hợp nhất (với Black Spade) được định giá 27 tỷ USD, cao hơn nhiều công ty xe điện mới nổi ở Mỹ như Rivian (vốn hóa hơn 20 tỷ USD), Nikola.
Rivian được xem là đối thủ đáng gờm của Tesla. Công ty này được xem như “Tesla của xe tải điện”, là một trong những công ty tiềm năng nhất trong những tân binh trong thị trường xe điện, vốn thu hút các nhà đầu tư trong suốt 2 năm qua.
Với mức vốn hóa này, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Tesla và Li Auto. Đây cũng là mức định giá cao nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam từng chạm đến từ trước đến nay.
Việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast.
VinFast được thành lập năm 2017 và là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup do tỷ phú giàu nhất Việt Nam – Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch.
VFS vốn hóa ngất ngưởng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp lọt top 100
Theo cập nhật của Forbes, tính tới ngày 15/8, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 5,7 tỷ USD, đứng thứ 494 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Với việc VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq, tài sản của ông Vượng có thể còn tăng và vị trí top người giàu trên thế giới sẽ được cải thiện.
Trước đó, theo đánh giá của Bloomberg, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm 11 tỷ USD nhờ VinFast, từ mức 5 tỷ USD lên 16 tỷ USD.
Tính tới ngày 11/8, người đứng thứ 110 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes là bà Diane Hendricks, doanh nhân Mỹ sở hữu đế chế xây dựng lớn bậc nhất xứ cờ hoa và nhà sản xuất phim đến từ bang Wisconsin, người đang có 15,7 tỷ USD.
Và nếu tài sản lên mức 17,5 tỷ USD, ông Vượng sẽ lọt top 100 người giàu nhất, xếp ngang hàng với gia đình tỷ phú Rupert Murdoch (92 tuổi), ông trùm truyền thông toàn cầu, người nắm giữ đế chế truyền thông gồm cả Fox News, The Sun, The Times, The Wall Street Journal và The New York Post.
Trong báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định, Vingroup đã chính thức bước vào cuộc chơi toàn cầu với quyết tâm chinh phục thế giới.
Việc VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với định giá 27 tỷ USD được xem là điểm bắt đầu trong một hành trình lớn.
Tiên phong cho các công ty Việt Nam niêm yết quốc tế
VinFast không chỉ gây ấn tượng trên thị trường chứng khoán Mỹ với mức định giá cao ngất ngưởng mà còn được kỳ vọng là doanh nghiệp mở cánh cửa sang Mỹ cho các công ty Việt Nam khác, trong bối cảnh nhiều đơn vị cũng có nhu cầu tìm đến một thị trường vốn có quy mô lớn hơn.
Sau khoảng năm rưỡi từ khi dự thảo bản đăng ký đầu tiên lên Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ – SEC (31/3/2022), cổ phiếu VinFast đã có mặt trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
Sự xuất hiện của cổ phiếu VFS trên thị trường chứng khoán Mỹ được xem là dấu mốc trên chặng đường chinh phục thị trường vốn quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Và nó được xem là sự kiên bước ngoặt cho VinFast nói riêng và thị trường vốn Việt Nam nói chung.
Thương vụ này được xem là một câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp vươn ra thị trường vốn quốc tế.
Trong vài năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam đã phát hành và niêm yết trái phiếu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đối với hoạt động trên thị trường vốn cổ phần, vẫn chưa có doanh nghiệp lớn nào thực hiện được, mặc dù đã có kế hoạch như Vietjet Air hay VNG.
Trên thực tế, trước Vinfast, cũng đã có doanh nghiệp Việt Nam đặt chân trên sàn cổ phiếu Mỹ. CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua phương thức SPAC, qua đó niêm yết cửa sau và đặt chân lên sàn Nasdaq hồi năm 2009. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và cổ phiếu này sau đó bị hủy niêm yết vào năm 2011 do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin.
Với trường hợp VinFast, với giá trị vốn chủ sở hữu lên tới 23 tỷ USD, đây được xem là doanh nghiệp Việt lớn đầu tiên niêm yết cổ phiếu và tiếp cận vốn trên thị trường quốc tế. Trong một báo cáo của Vingroup gần đây, tập đoàn này có đề cập kế hoạch huy động vốn dự kiến 1-2 tỷ USD tại thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 2024-2026.
Dấu mốc toàn cầu của VinFast
Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast, trong một thống báo gần đây, khẳng định việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast.
Nữ CEO của Vinfast cũng cho biết công ty đang trong quá trình xây dựng nhà máy tại bang North Carolina, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025 với công suất giai đoạn 1 là 250.000 xe mỗi năm, nhằm cạnh tranh tốt hơn tại thị trường Mỹ.
Theo số liệu trong nửa đầu năm 2023, Tập đoàn Vingroup tiết lộ sản lượng bán xe ô tô điện của VinFast đạt hơn 13.000 xe, doanh thu chạm mốc gần 12.000 tỷ đồng.
Sự kiện VinFast niêm yết trên sàn Mỹ diễn ra trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu hồi phục và có dấu hiệu đổ trở lại vào lĩnh vực xe ô tô điện. Đây là một ngành có bước nhảy vọt trong nhiều năm qua.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tới cuối năm 2022, có khoảng hơn 26 triệu xe điện đang lưu thông trên toàn cầu, tăng 60% so với năm 2021. Thị trường xe điện ước tính sẽ có thị phần khoảng 18% trong năm 2023, so với mức 14% năm 2022 và khoảng 4% năm 2020.