Pacific Holdings bán ra 18,25 triệu cổ phiếu trong 19,9 triệu cổ phiếu VCG đã đăng ký
CTCP Pacific Holdings vừa thông báo kết quả giao dịch đăng ký bán 19,9 triệu cổ phiếu VCG. Trong đó, 18,25 triệu cổ phiếu đã được bán ra trong đầu tháng 5 vừa qua. Giao dịch được thực hiện với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư của Pacific Holdings.
Trước giao dịch, Pacific Holdings đang nắm giữ 273 triệu cổ phiếu, tương đương với 56,19% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi giao dịch được hoàn thành, Pacific Holdings đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 254,8 triệu cổ phiếu, tương đương với khoảng 52,44% vốn điều lệ tại Vinaconex.
Trong quý 1 năm 2023 vừa qua, Pacific Holdings cũng từng thực hiện một giao dịch thoái vốn khác khỏi Vinaconex từ ngày 20/3 đến ngày 6/4. Tại giao dịch này, Pacific Holdings cũng đã bán ra tổng cộng 32,6 triệu cổ phiếu VCG, thu về 684,6 tỷ đồng. Sau giao dịch này, Pacific Holdings đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 60,23% xuống chỉ còn 56,19%.
Lợi nhuận quý 1 bốc hơi 98%, không còn lãi từ việc mua bán công ty con
Kết quả kinh doanh quý 1 của Vinaconex trong năm 2023 thực sự khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, bởi doanh thu chỉ sụt giảm nhẹ nhưng lợi nhuận mang về lại “bốc hơi” tới 98% so với cùng kỳ.
Trong quý 1 doanh thu thuần của Vinaconex đạt 1.965,1 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ và tăng nhẹ so với quý trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại chỉ vỏn vẹn có 18,8 tỷ đồng.
Ghi nhận trong quý 1 năm 2023, Vinaconex đạt doanh thu 1.333,1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 779,9 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói rằng lợi nhuận của Vinaconex đã giảm tới 98% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân được lý giải là bởi trong quý 1 năm 2022, công ty đã ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, lên tới 736 tỷ đồng, so với năm nay chỉ có 92,9 tỷ đồng. Phần chênh lệch 598 tỷ đồng đến từ hoạt động mua rẻ công ty con trong quý 1 năm 2022.
Dù nguyên nhân là như vậy nhưng xét một cách khách quan thì có thể thấy rằng khi không còn ghi nhận lãi từ hoạt động mua rẻ công ty con thì hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đã ngay lập tức bộc lộ sự yếu kém, lợi nhuận ngay lập tức sụt giảm đáng kể.
Một điểm đáng chú ý khác đó là chi phí tài chính phát sinh trong kỳ cũng tăng lên tới 226,8 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động của công ty liên doanh liên kết cũng lên tới 40 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 86,7 tỷ đồng.
Hàng loạt chi phí gia tăng đã đồng thời khiến cho lợi nhuận quý 1 của Vinaconex giảm chỉ còn 18,8 tỷ đồng.
Hơn 1.130 tỷ đồng nợ khó đòi cùng 2.300 tỷ doanh thu đang còn nằm “trên giấy tờ”
Tổng tài sản của Vinaconex tính tới hết quý 1 năm 2023 đạt 20.145,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm tới gần một nửa, từ 1.710,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 950,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tính thanh khoản của tài sản mà Vinaconex đang nắm giữ.
Khoản phải thu của khách hàng đang chiếm tỷ trọng cao với 2.298,6 tỷ đồng, cho thấy rằng Vinaconex đang ghi nhận một lượng lớn doanh thu chỉ nằm trên giấy tờ. Thêm vào đó, số tiền mà công ty đã phải ứng trước chi trả cho đối tác cũng đã lên tới 4.976,9 tỷ đồng cũng cho thấy rủi ro không nhỏ trong cơ cấu tài sản.
Một điểm nữa mà nhà đầu tư cần lưu ý thêm về tài sản của Vinaconex đó là các khoản phải thu khó đòi của Vinaconex tại thời điểm 31/3/2023 cũng lên tới 1.130,5 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của Vinaconex, nợ phải trả chiếm tỷ trọng lớn với 22.550,2 tỷ đồng, tương đương với 69,4% tổng tài sản. Số tiền mà Vinaconex đang vay nợ cũng lên tới 14.114,5 tỷ đồng, cao vượt qua cả vốn chủ sở hữu.