Viettel thắng VNPT và MobiFone; KBC hủy nhiều kế hoạch; Nutifood làm cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
EVN nhận chuyển giao Nhà máy điện Phú Mỹ 3; Vinaconex làm khu công nghiệp vài ngàn tỷ đồng tại Hà Nội; Hãng bay Việt dẫn đầu 3 chỉ số tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương; Nutifood làm cầu đi bộ qua sông Sài Gòn; Viettel trúng đấu giá băng tần để triển khai 5G…
EVN nhận chuyển giao Nhà máy điện Phú Mỹ 3
Nhà máy điện Phú Mỹ 3 BOT là dự án điện độc lập đầu tiên theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) tại Việt Nam.
Tập đoàn Sembcorp Industries (Sembcorp), thông qua liên doanh sở hữu 67% cổ phần tại Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, vừa tổ chức lễ chuyển giao Nhà máy điện Phú Mỹ 3 cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sau 20 năm vận hành thương mại.
Nhà máy điện Phú Mỹ 3 đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu là dự án điện độc lập đầu tiên theo mô hình BOT tại Việt Nam. Được đưa vào vận hành từ năm 2004, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong ngành điện về chu trình hỗn hợp mới phát triển. Dự án đã tạo ra khoảng 100 việc làm mới.
Nhà máy trước kia được vận hành bởi đối tác liên doanh bao gồm Tập đoàn Sembcorp, Tập đoàn Kyuden International và Tập đoàn Sojitz.
Hãng bay Việt dẫn đầu 3 chỉ số tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương
Theo OAG, Vietjet là hãng hàng không chi phí thấp dẫn đầu về tăng trưởng công suất, tần suất triển khai trên chặng ngắn và mạng đường bay tại châu Á-Thái Bình Dương.
Thông tin này được nêu trong báo cáo công bố mới đây của tổ chức chuyên theo dõi, thống kê về du lịch, hàng không hàng đầu thế giới – OAG. Đơn vị này cho biết thống kê dựa trên mạng lưới thông tin lớn nhất thế giới về chuyến bay, thị trường. Trên cơ sở đó, OAG xác định được những hàng hàng không, sân bay thành công nhất châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2019-2023.
Theo OAG, Vietjet Air dẫn đầu ở hai hạng mục với hãng hàng không chi phí thấp tăng trưởng mạnh nhất khu vực về cả năng lực khai thác và tần suất chuyến bay tại các chặng ngắn (dưới 4,630 km).
Xếp sau hãng bay Việt Nam ở hai hạng mục này là Indigo của Ấn Độ. Về các chặng bay đường dài, OAG xác định Air India là hãng bay đứng đầu về năng lực và tần suất khai thác. Xếp sau là Scoot của Singapore.
Bên cạnh đó, OAG cũng vinh danh Vietjet là hãng bay “vô địch về mở rộng mạng lưới” khi mở có thêm loạt đường bay mới trong năm 2023. Vị trí thứ hai và thứ ba ở hạng mục thống kê này cũng lần lượt thuộc về hai hãng hàng không của Ấn Độ là Vistara và Indigo.
Năm ngoái, Vietjet đã phát triển thêm 33 đường bay quốc tế và nội địa. Nhờ đó, hãng sở hữu mạng lưới 125 đường bay, trong đó có đến 80 đường bay quốc tế. Hãng hàng không chi phí thấp này này khai thác khoảng 133.000 chuyến bay, vận chuyển trên 25 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7,6 triệu khách quốc tế (tăng 183% so với năm 2022)…
Viettel vượt VNPT và Mobifone, trúng đấu giá băng tần để triển khai 5G
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 – 2.600 MHz. Viettel sẽ nắm giữ quyền này trong vòng 15 năm tới.
Băng tần 2500-2600 MHz được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo.
Viettel năm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 – 2.600 MHz trong vòng 15 năm tới. |
Đối với Viettel, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).
Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 – 2600 MHz. Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G, đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng 99% dân số. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G.
Đến ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ TTTT đã phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Đô thị Kinh Bắc thay đổi kế hoạch chia cổ tức tiền mặt và mua lại cổ phiếu
HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 cũng như chương trình ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 1.
KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt lần lượt 9 ngàn tỷ đồng và 4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 48% và 80% so với kết quả năm 2023.
Ban lãnh đạo KBC cho biết cơ sở để đưa ra mục tiêu trên là diện tích cho thuê đất KCN của Công ty trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 150 ha, đến từ các KCN như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, đặc biệt là Tràng Duệ 3, ngoài ra còn có các cụm công nghiệp ở Hưng Yên, Long An,… Bên cạnh đó, một số dự án khu đô thị của KBC cũng dự kiến ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
Ngoài các dự án đã triển khai, KBC cho biết đang chuẩn bị quỹ đất KCN mới để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, Công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để được phê duyệt dự án tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu,… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha đất KCN và 650 ha đất khu đô thị.
Liên quan đến kế hoạch trả cổ tức 20% và mua lại 100 triệu cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ phê duyệt, nhưng chưa thực hiện, ngày 28/03 tới, tại ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 1 tại trụ sở Công ty trong KCN Quế Võ (Bắc Ninh), HĐQT Công ty sẽ đề xuất phương án theo hướng hủy kế hoạch trên.
Nutifood làm cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Hợp đồng “Lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn” giữa Nutifood (chủ đầu tư) với liên danh Công ty TNHH Chodai & Kiso – Jiban Việt Nam, Công ty TNHH Chodai, Công ty TNHH Kiến trúc Niwa (đơn vị tư vấn – thiết kế) đã diễn ra tại trụ sở CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) ở TP.HCM.
Nutifood ký hợp đồng “Lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn” với các đối tác. |
Liên danh trên sẽ phối hợp với Nutifood thực hiện các hạng mục gồm lập đề xuất dự án, lập nhiệm vụ khảo sát bước báo cáo nghiên cứu khả thi, lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm thiết kế cơ sở).
Dự án cầu đi bộ mà Nutifood đã cam kết tài trợ cho TP.HCM có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến cầu sẽ khởi công vào ngày 30/04/2025, khánh thành vào 30/04/2027.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có kiến trúc thiết kế theo hình tượng lá dừa nước. Cây cầu được quy hoạch nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Vị trí phía quận 1 nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía bờ TP. Thủ Đức nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vinaconex làm khu công nghiệp vài ngàn tỷ đồng tại Hà Nội
Dự án khu công nghiệp Đông Anh được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh của huyện Đông Anh, TP. Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng do Vinaconex làm chủ đầu tư.
Ngày 05/03/2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 221/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Đông Anh, TP. Hà Nội.
Theo đó, Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là chủ đầu tư dự án.
Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, quy mô sử dụng đất là 299,45 ha gồm 2 giai đoạn, với giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha.
Trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của VCG gần 1.268 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn).
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu gần 12.705 tỷ đồng, tăng 50%; lãi ròng giảm một nửa còn gần 378 tỷ đồng. Đây cũng là năm VCG có lợi nhuận ròng thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2020.
Lizen đầu tư cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng
HĐQT Lizen mới đây thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT, thay thế cho dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị. Ở dự án này, CTCP Lizen chủ trương đầu tư với tỷ lệ tham gia vốn không vượt quá 25%.
Lizen thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT. |
Cách đây một tháng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án cao tốc này theo hình thức BOT. Cụ thể, thời gian thực hiện dự án giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ năm 2023 đến 2026 (trước đó là từ năm 2023 đến 2025) với tổng mức đầu tư mới khoảng 11 ngàn tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với phê duyệt trước đây.
Dự án yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp thu xếp hơn 5,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 50,13% tổng mức đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng. Vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 4,4 ngàn tỷ đồng.
Ở phần còn lại, vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 49,87%, trong đó vốn ngân sách trung ương 3,5 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2 ngàn tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn cho dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng được điều chỉnh thành 25 năm 8 tháng thay vì 29 năm 6 tháng như trước.