Sau 24 vòng đấu, tối 8/3, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện 5G đối với khối băng tần 2500 – 2600 MHz trong vòng 15 năm tới, với mức đấu giá hơn 7.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel vừa thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 – 2600 MHz trong vòng 15 năm, với mức đấu giá hơn 7.500 tỷ đồng
Trước đó, chiều 8/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500MHz – 2600MHz).
Có 3 doanh nghiệp đăng ký và tham gia đấu giá.
Phiên đấu giá băng tần B1 2500 – 2600 Mhz bắt đầu lúc 14 giờ 15 phút. Bà Lê Việt Nga, đấu giá viên Công ty đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia điều hành cuộc đấu giá đã phổ biến các quy định và giải đáp, hướng dẫn thực hiện việc đấu giá.
Sau 24 vòng đấu, doanh nghiệp có mã số 001 (tức Viettel) được xác định là trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500MHz – 2600MHz).
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý để công bố chính thức kết quả đấu giá.
Băng tần 2500-2600 MHz được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 4G, 5G và các công nghệ tiếp theo.
Tại phiên đấu giá, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành viễn thông, được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho thông tin di động, kỷ nguyên của 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Hai Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng và Phạm Đức Long; đại diện Bộ Tư pháp và Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia trong buổi đấu giá quyền sử dụng tần số. Ảnh: Mic. |
Năm 2024, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông là năm phổ cập hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Do vậy, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G nhằm triển khai các mục tiêu trên.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, phối hợp các Bộ, ngành đề xuất các cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số Vô tuyến điện, Nghị định số 63/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tần số Vô tuyến điện.
Phiên đấu giá hôm nay đánh một dấu mốc lịch sử, khi đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện theo các quy định mới.
Đại diện Viettel cho biết, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Viettel bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc từ cuối năm 2024 đến với các khách hàng của Viettel trên khắp cả nước.
Việc Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G đúng lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động góp phần quan trọng để Tập đoàn giữ vững vai trò là đơn vị tiên phong, dẫn dắt về công nghệ và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao.
Nhân Dân
nguồn