“Top 10 Công ty bao bì uy tín năm 2024” được đánh giá dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan với 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Thị trường bao bì Việt Nam: Tiến bước trên chặng đường mới
Thị trường bao bì Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng tăng. Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó 65% tập trung vào sản xuất bao bì nhựa.
Sự tăng trưởng của ngành bao bì được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, khi GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, mở ra triển vọng hoàn thành mục tiêu cả năm với mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận sự phục hồi và mở rộng của các ngành sản xuất chủ chốt. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục gia tăng, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm ước tính đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là động lực lớn cho ngành bao bì, đặc biệt là bao bì phục vụ cho ngành thực phẩm – đồ uống, vốn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Theo dự báo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và có khả năng tăng lên 4,14 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,73% trong giai đoạn 2024 – 2029. Trong ngành nhựa, phân khúc bao bì được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản lượng dự kiến đạt 15,09 triệu tấn vào năm 2028, CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2023 – 2028. Điều này cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của ngành bao bì tại Việt Nam, nhất là khi xuất khẩu bao bì đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước thời gian tới.
Hành trình “xanh hóa” ngành bao bì
“Xanh hóa” ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Để giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, giảm thiểu sự lãng phí và sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu tái chế. Ngoài ra, tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn và đẩy mạnh các chương trình đào tạo, phát triển nhân viên cũng là một phần của chiến lược phát triển bền vững.
Với mục tiêu rõ ràng, các doanh nghiệp ngày càng hướng tới việc thực hiện cam kết môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Theo khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp “đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG” là 37,5% (tăng 3,7% so với năm trước), trong khi “đang ở giai đoạn lập kế hoạch ESG” là 40,1% và “không đặt ra cam kết ESG/ chưa có kế hoạch cụ thể” giữ nguyên mức 22,4%. Các doanh nghiệp chưa đặt ra cam kết ESG hầu hết vẫn đang phải đối mặt với vấn đề tài chính kéo dài từ giai đoạn khó khăn trước đó.
Hành trình “xanh hóa” ngành bao bì tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua các chính sách cụ thể về trách nhiệm tái chế. Thực tế, Việt Nam đang từng bước học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến về tái chế bao bì trên thế giới; song hệ thống thu gom và phân loại rác tại nguồn của nước ta chưa hoàn thiện, đòi hỏi cần có sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan. Thông qua Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, Việt Nam đang dần hoàn thiện khung pháp lý và hướng tới một mô hình tái chế bao bì hiệu quả hơn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và những quy định về phát triển bền vững ngày càng thắt chặt, các doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Việt Nam được khuyến khích tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặt biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu, chẳng hạn như FSC (Forest Stewardship Council – Hội đồng Quản lý rừng) – một tiêu chuẩn tự nguyện, được phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững luôn là chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu trách nhiệm xã hội ngày càng cao. Với một ngành thiết yếu như bao bì, các doanh nghiệp càng cần đảm bảo tuân thủ quy định, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp để tạo dựng uy tín và hướng tới sự thịnh vượng lâu dài.
(Nguồn: Vietnam Report)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vietnam-report-cong-bo-top-10-cong-ty-bao-bi-uy-tin-nam-2024-2330357.html