Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I.
Thành tích ấn tượng của Vietjet đến từ hoạt động khai thác ổn định thị trường trong nước, tiên phong mở đường bay quốc tế, đáp ứng nhu cầu giao thương giữa Việt Nam và các nước.
Doanh thu và lợi nhuận tăng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng.
Trong ba tháng đầu năm, Vietjet khai thác an toàn 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý I/2022. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đến 99,59%.
Trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14.800 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng, đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách, chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng, mang lại doanh thu cao cho Vietjet trong 3 tháng đầu năm. |
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 69.200 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu một lần và thanh khoản 1,3 lần – mức an toàn trong ngành hàng không. Trong quý I, hãng đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp 1.053 tỷ đồng.
Tập trung phát triển thị trường quốc tế
Kết quả trên có được nhờ chiến lược kinh doanh phù hợp tình hình phát triển của nền kinh tế sau đại dịch. Theo đó, trong quý I, Vietjet mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế).
Từ đầu năm, hãng tăng nhiều chuyến bay trên các chặng kết nối Hà Nội, TP.HCM với nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu về quê, đoàn tụ gia đình của người dân. Đồng thời, Vietjet tăng chuyến trên các chặng đến điểm du lịch.
Vietjet tiên phong mở các đường bay quốc tế mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, Kazashtan và Australia, khai thác điểm đến mới tại những thị trường đang hoạt động hiệu quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Nhờ đó, hãng góp phần thu hút đầu tư và du lịch từ các nước đến Việt Nam.
Lãnh đạo Vietjet chào đón hành khách của chuyến bay kết nối TP.HCM – Melbourne (Australia), một trong những đường bay quốc tế được hãng khai trương trong quý I. |
Đánh giá 2023 – năm tăng trưởng mạnh của hàng không và du lịch – Vietjet đặt ra nhiều mục tiêu lớn để hướng đến những kết quả cao hơn trong các quý tiếp theo cũng như cả năm.
Bên cạnh khai thác ổn định thị trường và duy trì vị trí dẫn đầu thị phần nội địa, Vietjet đặt mục tiêu tập trung phát triển mạnh thị trường quốc tế, nghiên cứu, đầu tư khai thác đường bay nhiều tiềm năng cũng như tiên phong khai mở những đường bay mới trong năm nay. Hãng dự kiến tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm.
Không chỉ hàng không, Vietjet hướng đến cung cấp dịch vụ tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung chương trình công nghệ, thúc đẩy kinh doanh số, mang đến sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.
Dự báo hàng không và du lịch tăng trưởng mạnh, Vietjet đặt ra nhiều mục tiêu lớn để hướng đến kết quả cao hơn trong năm 2023. |
Ba tháng đầu năm, Vietjet liên tục đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đáng chú ý, hạng ghế thương gia Skyboss Business và chương trình khách hàng thân thiết Skyjoy nhận nhiều phản hồi tích cực của hành khách. Hiện tại, số hành khách sử dụng sản phẩm Skyboss Business tăng dần trên các chuyến bay, trong khi chương trình SkyJoy có hơn 3 triệu thành viên. Việc chú trọng triển khai và thực hiện chương trình tối ưu, kiểm soát chi phí hoạt động giúp hãng đạt kết quả lợi nhuận tích cực trong quý I.