Ngân hàng TMTCP Ngoại thương Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết: năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu triển khai xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng là tăng 15% so với 2022, tương đương đạt hơn 42.970 tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, năm 2023, mức đạt được là 10,6%, tương đương dư nợ đạt khoảng 1,27 triệu tỷ đồng. Nợ xấu khoảng 0,97%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 185%.
Để thực hiện thành công phương châm hành động “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững” mang lại kết quả từ 6 đột phá và 3 trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, Ban Điều hành đã xây dựng hành động và chỉ đạo “Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo” xuyên suốt từ hoạch định chính sách, tham mưu tại trụ sở chính đến thực thi triển khai tại từng chi nhánh trong hệ thống.
Ban Điều hành Vietcombank đã chỉ đạo quyết liệt tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 nhưng kiên định không hạ chuẩn. Tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng tập trung cho vay nhóm ngành mở rộng; nhóm khách hàng có năng lực tài chính, có khả năng chống đỡ rủi ro.
Tăng trưởng tín dụng gặp khó trong phần lớn thời gian của năm do nhu cầu tín dụng suy yếu nhưng những tháng cuối năm được đẩy mạnh hơn. Lãi suất huy động giảm, thấp nhất lịch sử, đồng thời Vietcombank thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Mức giảm lãi gần 5.900 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Về định hướng kinh doanh 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2024 và NHNN về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành ngân hàng, kết nối với mục tiêu chiến lược phát triển VCB đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo” triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh.
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng – Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, với nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ lạc quan hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2024 tăng 8% so với năm trước. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) kiểm soát ở mức dưới 80%. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu khoảng 12%, trong hạn mức NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm 2023.
Các giải pháp chủ đạo được Ban Điều hành Vietcombank đưa ra bao gồm: Từng bước chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh đảm bảo từng trụ cột tăng trưởng bền vững; Triển khai quyết liệt sáng kiến, mục tiêu Chiến lược phát triển và kế hoạch chuyển đổi đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng; Phát triển khách hàng và sản phẩm dịch vụ.
Mặt khác, kiện toàn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với mô hình chuyển đổi số và môi trường cạnh tranh; tổ chức triển khai quyết liệt, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh; quyết liệt triển khai Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.
Được biết, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay có DongABank, 3 ngân hàng 0 đồng gồm CB, OceanBank, GPBank, đến cuối năm 2022, SCB cũng là ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị – Ảnh: VGP
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đề nghị những người đại diện vốn và Ban lãnh đạo Vietcombank quán triệt, nghiêm túc tổ chức triển khai Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024 và các Chỉ thị 01, 02 của Thống đốc NHNN sắp được ban hành trong tháng 1/2024. Trong đó đặc biệt tập trung vào một số nội dung lớn sau:
Thứ nhất, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối
Thứ hai, triển khai đúng tiến độ phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chiến lược phát triển; nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và vi phạm quy định nội bộ.
Trong đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, đặc biệt là phương án nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin, quy chế và chính sách, đảm bảo thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém trong năm 2024. Đồng thời, sử dụng tối ưu giấy phép của TCTD được chuyển giao bắt buộc để xây dựng và phát triển hệ sinh thái Vietcombank, phát triển hệ sinh thái ngân hàng số.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thanh toán hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: Người đại diện vốn nhà nước tại Vietcombank thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN trong quản lý, tổ chức hoạt động của Vietcombank ; chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước được giao; sớm thực hiện việc kiện toàn nhân sự Chủ tịch HĐQT và các nhân sự cấp cao. Triển khai sớm việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhân sự cấp uỷ và cán bộ quản lý các cấp năm 2024.
Đáng chú ý, lãnh đạo NHNN đề nghị ngân hàng này chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, đặc biệt là phương án nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin, quy chế và chính sách, đảm bảo thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém trong năm 2024. Đồng thời, sử dụng tối ưu giấy phép của TCTD được chuyển giao bắt buộc để xây dựng và phát triển hệ sinh thái Vietcombank, phát triển hệ sinh thái ngân hàng số.
Anh Minh