Chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp 20 lần, lợi nhuận sụt giảm 16%
Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank (Mã VAB) vừa công bố BCTC hợp nhất Quý 4 với một số thông tin đáng chú ý. Trong đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 16% so với cùng kỳ, đồng thời nợ xấu của ngân hàng cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Thu nhập lãi thuần Quý 4/2023 đạt 789,5 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm 10% xuống chỉ còn 239,4 tỷ đồng.
Nhờ vậy mà lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank tăng lên gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 945,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do lượng nợ dưới chuẩn tăng cao khiến cho chi phí dự phòng rủi ro theo đó cũng tăng lên gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tại Quý 4/2023 ghi nhận tới 609,5 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VietABank chỉ còn lại 336 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 13% so với cùng kỳ.
Lũy kế doanh thu năm 2023 của VietABank đạt 1.809,5 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Lãi sau thuế mang về 928,4 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy rằng hoạt động kinh doanh năm 2023 của VietABank bị ảnh hưởng rất lớn của nợ dưới chuẩn.
Nợ dưới chuẩn tăng gấp 40 lần so với cùng kỳ
Tại cuối Quý 4/2023, tổng tài sản của VietABank ghi nhận 112.207 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Lượng tiền mặt sụt giảm 20%, chỉ còn 361 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10%, ghi nhận ở 69.059 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nguồn vốn của VietABank, lượng tiền gửi của khách hàng tăng tới 23%, đạt 86.694 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Các khoản nợ đáng chú ý là Nợ Chính phủ và NHNN vốn chiếm 3.621 tỷ đồng và tiền vay các tổ chức tín dụng khác 1.070 tỷ đồng đã giảm về gần như bằng không.
Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu của VietABank lại đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 14,4 tỷ đồng lên 574,4 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 40 lần.
Bù lại, nợ nghi ngờ giảm 28%, còn 21,9 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn đồng thời cũng giảm 42%, còn 530,7 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tại cuối Quý 4 chiếm 1.127 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1.53% đầu năm lên 1.63%.
Cú trượt dài của cổ phiếu VAB, thị giá ‘bốc hơi’ một nửa kể từ khi lên sàn
Vào ngày 20/7/2021, cổ phiếu mã VAB của VietABank đã được chính thức chào sàn với mức giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó, VAB từng là cái tên được giới đầu tư chú ý và đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ khi lên sàn, mã VAB không có sự bứt phá nào đáng kể, thậm chí còn sụt giảm mạnh so với khi mới niêm yết.
Đà giảm của VAB bắt đầu từ tháng 2/2022 khiến mã này mất đi hơn 1 nửa giá trị. Từ đỉnh 15.800 đồng tại ngày 7/2/2022, VAB lao dốc xuống chỉ còn 6.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 14/11/2022.
Kể từ đó đến nay, VAB liên tục dao động quanh vùng giá 7.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 30/1/2024, VAB đang có mức giá 7.300 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu VAB từ khi bắt đầu niêm yết đến nay sẽ tương ứng lỗ khoảng 46% với khoản đầu tư của mình.