(Dân trí) – “Khi có tình huống đột xuất, Việt Nam – Trung Quốc hội đàm ngay trên đường biên giới để sớm thông quan hàng hóa”, theo lời Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sắp có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Đây là dấu mốc quan trọng bởi năm 2023 cũng là thời điểm đánh dấu 15 năm thiết lập khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Thời quan qua, quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển hòa bình, ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Thông quan thuận lợi, hàng hóa thông suốt
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), đánh giá tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm đến nay rất thuận lợi, thông suốt, không xảy ra ùn tắc cục bộ.
Rút kinh nghiệm từ thời gian trước, vào những tháng cuối năm, lượng hàng hóa từ các tỉnh tập trung về cửa khẩu tại Lạng Sơn nhiều nên Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn sắp xếp phương tiện từ sớm, từ xa và trao đổi với nước bạn tạo điều kiện cho việc làm thêm giờ, cải tiến quy trình kiểm tra, kiểm soát.
Do đó, hàng hóa qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn thông suốt, duy trì từ 1.100 đến 1.200 xe qua cửa khẩu mỗi ngày.
“Chúng tôi ký cơ chế hội đàm với các cơ quan Trung Quốc để thuận tiện trong việc thông thương hàng hóa. Khi có tình huống đột xuất, hàng hóa đến cửa khẩu nhiều, chúng tôi tiến hành trao đổi, hội đàm ngay trên đường biên giới để giải quyết một cách nhanh nhất”, theo lời ông Duy.
Với việc trao đổi định kỳ, ông cho biết phía Việt Nam có thể sang nước bạn hoặc Trung Quốc sang Việt Nam. “Quan hệ hợp tác giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực”, ông Duy nhận định.
Lưu lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn trung bình đạt 1.200 xe/ngày (Ảnh: Hải Nam).
Theo Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác đối ngoại với các huyện, thị bên nước bạn (Trung Quốc), để cùng tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa giữa hai bên, cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Về công tác đối ngoại, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thường xuyên làm việc, trao đổi, hội đàm với Trung Quốc.
“Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã có 9 cuộc hội đàm với Trung Quốc và làm việc với các lực lượng chức năng nước bạn khoảng 6 cuộc, gửi trên 50 thư công tác”, ông Duy chia sẻ.
Xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp
Theo thông tin từ Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển và tổ chức dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đường bộ lớn nhất cả nước với trên 231km đường biên giới tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc).
Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống hạ tầng biên giới gồm 2 cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu, 9 cửa khẩu phụ và các kho, bến bãi xe xuất nhập khẩu đã được đầu tư tương đối đồng bộ, là tiền đề cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, ổn định.
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước.
Các loại hình dịch vụ như hải quan, bảo hiểm, thuế… và quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng chính quy, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, chuyên nghiệp.
Lạng Sơn là địa phương đứng thứ 5 trong cả nước về chuyển đổi số quốc gia, tỉnh đầu tiên của Việt Nam triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số từ đầu năm 2022, góp phần minh bạch hóa và thuận lợi hóa các thủ tục, quy trình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.
Việc này, theo ông Duy, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.
Hàng hóa qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn thời gian qua được thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc (Ảnh: Hải Nam).
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 6/12 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma…
Lưu lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.200 xe/ngày (cao điểm lên đến hơn 1.300 xe/ngày).
Trong đó, khoảng 350-400 xe xuất khẩu (nông sản, trái cây chiếm khoảng 70%), 750-800 xe nhập khẩu.
Lũy kế tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) trong 11 tháng năm 2023 đạt hơn 46.304 triệu USD, tăng hơn 110% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, huyện, thị biên giới của hai bên cùng phối hợp, duy trì, đẩy mạnh tổ chức hoạt động giao lưu, trao đổi, thúc đẩy hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại.
Các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết xe xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh: Hải Nam).
Vào tháng 2, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các đoàn đại biểu tham dự hội đàm trực tuyến chương trình gặp gỡ đầu Xuân năm 2023 giữa các Bí thư Tỉnh ủy, Khu ủy và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tại tỉnh Hà Giang.
Tại chương trình này, hai bên đã ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, hỗ trợ nhân đạo.
Xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và Chủ tịch Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký thỏa thuận khung về việc cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh.
Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).
Tỉnh Lạng Sơn đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, hoàn thiện đề án và trình Thủ tướng tại Tờ trình số 150/TTr-UBND ngày 30/9.
Địa phương này đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức hội đàm, trao đổi về công tác xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh; khảo sát thực địa các cửa khẩu thông minh tại Trung Quốc, dự thảo cơ chế gặp gỡ trao đổi cùng xây dựng cửa khẩu thông minh.
Đồng thời, hai bên tích cực trao đổi, đẩy mạnh hợp tác về mở, nâng cấp cửa khẩu, hoàn thiện thủ tục nội bộ để đưa đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào khai thác…
Đồng thời, Lạng Sơn cho biết sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cửa khẩu, hoàn thiện thủ tục nội bộ, cùng báo cáo, trình Chính phủ hai nước phê chuẩn mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi – Bình Nhi Quan.
Một nhiệm vụ khác được địa phương xác định, là tích cực trao đổi, thống nhất xác nhận thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm; thực hiện quy trình để bổ sung cặp cửa khẩu này vào phụ lục kèm theo hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Ngoài ra, Lạng Sơn cũng thúc đẩy sớm nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm lên cửa khẩu quốc tế.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức hội đàm định kỳ và đột xuất, gửi thư công tác… với các cơ quan, đơn vị tương ứng của Quảng Tây. Qua đó, hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu như: Thống nhất giảm cấp độ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt, hai bên thống nhất khôi phục phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống như trước khi có dịch Covid-19 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ ngày 21/2, cho phép lái xe và người đi cùng xe được trực tiếp sang các bến bãi ở Pò Chài (Trung Quốc) để giao nhận hàng hóa từ ngày 9/3.
Từ ngày 1/11, người nhập cảnh vào Trung Quốc không cần khai báo y tế, chỉ cần đo thân nhiệt; khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Na Hình (Việt Nam) – Kéo Ái (Trung Quốc) từ ngày 28/7; khôi phục lại hoạt động xuất, nhập cảnh tại cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) từ ngày 1/12…
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD (Ảnh: Hải Nam).
Giải pháp thúc đẩy hợp tác
Để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, tỉnh Lạng Sơn và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình trọng điểm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như mở rộng khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, xây dựng khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan…
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường các hoạt động tiếp xúc, trao đổi, giao lưu hợp tác giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền giữa hai tỉnh – khu, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực trọng điểm, trước hết là hợp tác về kinh tế, thương mại, xây dựng kết nối giao thông, nâng cấp cửa khẩu… bảo đảm ổn định, an toàn khu vực biên giới.
Hàng hóa nhộn nhịp thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn (Ảnh: Hải Nam).
Phối hợp với Trung Quốc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường xuất nhập khẩu, kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa của hai nước… là một trong những định hướng quan trọng được Lạng Sơn xác định.
Hai bên cũng sẽ phối hợp thúc đẩy ký kết nghị định thư và mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu.
Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1%. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.