Huỳnh Hà Đông (bút danh A Đông) trình làng bạn đọc với tập thơ đầu tay “Nghêu sò hát ca” bằng giọng thơ của gió, mây trong cõi người bất tận…
Đâu chừng 5 năm trước, trong lần lai rai với mấy anh em văn nghệ Đà Nẵng, tôi để ý thấy một anh chàng khá trẻ, vóc người tròn trịa cái đầu trọc lóc, xoạc chân bắn thuốc lào xoành xoạch. Hỏi, thì được giới thiệu đó là Mandolin A Đông, nhà ở gần Nam Ô, có làm thơ…
Sau này, trong tập thơ đầu tay “Nghêu sò hát ca” (NXB Đà Nẵng, tháng 12/2022), A Đông tự giới thiệu “Mandolin A Đông, tên thật Huỳnh Hà Đông. Quê cha Hội An, quê mẹ Phủ Lý, Hà Nam. Sinh năm 1982 ở vịnh biển Liên Chiểu, Đà Nẵng. Sau học phổ thông, lang bạt nhiều nơi kiếm sống… Hiện sống với mẹ già. Làm thợ sơn tự do”.
Nhớ lại khi mới kết bạn facebook, tôi đã khá sốc khi đọc thơ của A Đông. Những bài thơ ngắn, không tựa đề, với cách gieo chữ vắt dòng lạ lẫm. Nhưng ly kỳ hơn cả, là nỗi ám ảnh gieo rắc trong đó. Câu chữ, thi ảnh rỗng hoang… Thực quá lâu rồi tôi mới chạm phải “dòng ý thức” hoàn toàn không bình thường trong những câu thơ, kiểu ấy.
Như Lý Đợi nhận xét: “Thơ Huỳnh Hà Đông tiếp nối tinh thần huyền nhiệm, u mặc, hý lộng, hốt nhiên… của Bùi Giáng, của Phạm Phú Hải – hai thi sĩ bậc thầy xứ Quảng. Trong sự tiếp nối đó, nổi bật nhất là khả năng cởi bớt hình hài, cởi bớt giới hạn cho lục bát.
Đưa lục bát trở lại với khởi nguyên dân gian, như là những câu nói đời thường, nơi mà việc đúng nhịp, định vần, xuống hàng… chẳng mấy quan trọng. Điều quan trọng duy nhất là nhu cầu viết xuống, rồi quên đi cũng được…”.
Riêng tôi nhận ra, giữa trường thơ xô dạt ý thức – vô thức dữ dội ấy, A Đông có độ thoát ra mạnh mẽ để không bị hút dính, vướng mắc với những bậc tiền bối. Để với một cách hết sức bản năng, thơ ấy tạo ra độ kỳ mị riêng biệt: “đêm nay trăng có cởi truồng? theo ta vào/ trại/ hát cuồng dăm câu”, “thi nhân đói lả bên đường, chờ mưa lâu chết dưới phường phố/ nâu”…
Nhưng nhiều hơn cả, những bài thơ/ đoạn thơ ngắn của A Đông luôn có khả năng tạo thi ảnh bảng lảng, ngây ngây khá riêng dị: “ai còn kinh dịch đem ra/ đốt/ để thấy muôn loài trong nắng thơm/ khí đất gió trời cơm cá đó/ phúc họa là gì dưới/ lửa/ rơm/ ngũ hành cũng vậy đem ra/ đốt/ để thấy ngàn sao thắp ngân hà/ cát bụi là ma ta là phật/ chúa/ cũng vui buồn như cỏ hoa”.
Cái chất bảng lảng, ngây ngây ấy đã đem lại cho thi ca một “miền hoàng hoa” diệu vợi: “chợ chiều có lá diêu bông/ có duyên/ có phận mùa mênh mông vàng, tiếng ve trong gió nhẹ nhàng/ em ngồi/ nắng/ nhuộm/ gánh hàng hoa nghiêng” hay “tiểu ơi dậy quét nắng/ vàng/ gióng chuông cho mộng theo làn gió thơm”…
A Đông chỉ làm thơ viết trực tiếp trên facebook, trong những phút chốc người – cảnh sinh tình. Có lần nghe anh chàng than, rằng vừa bị bay màu facebook, mất theo bao nhiêu là thơ. Tôi giật mình, rồi từ đó từng ngày âm thầm theo dõi từng cái “tút” thơ để lưu giữ giúp. Ngoảnh qua ngó lại, mà đã lưu được hơn một ngàn bài.
Giữa xô bồ mệt nhoài đời sống này, chợt tiếc thơ và thương kẻ thi sĩ “ngày đi khất thực vài giờ, viết thơ trên lá ngủ nhờ ven sông…”, tôi bèn đứng ra chọn trong số hơn ngàn bài lấy ra 190 bài để in tập thơ đầu tiên của chàng, với sự chung tay góp sức của bạn bè văn nghệ bốn phương.
“Nghêu sò hát ca” in 1.000 bản trên giấy gói hàng ngoại nhập tông màu kinh điển, được Lý Đợi viết bạt, Bùi Chát vẽ tặng bìa, 8 phụ bản cũng như chăm sóc khâu in ấn trong Sài Gòn, được nghệ nhân Lê Thanh Hà tài trợ một số phiên bản đặc biệt bìa in bằng tranh giấy dừa,… Đủ thấy tình văn nghệ vẫn còn nồng ấm giữa thời buổi lạnh lẽo này.