Mặc dù có không ít quan điểm trái chiều về hoạt động nghiên cứu viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của giáo viên, song trên thực tế, SKKN vẫn được nhiều giáo viên và các nhà trường đón nhận để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, đổi mới giáo dục nói riêng. Qua đó, thể hiện rõ sự sáng tạo, kinh nghiệm, cũng như năng lực và sự tâm huyết của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Trên thực tế, khi viết SKKN giáo viên đều hướng tới việc phải thể hiện tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả, khoa học và sư phạm, bảo đảm tính pháp lý và quan trọng nhất là tạo được giá trị ứng dụng. Với cô giáo Nguyễn Thị Nhung (giáo viên Trường Mầm non Bắc Lý, Lý Nhân), việc nghiên cứu viết SKKN để tự ứng dụng vào quá trình dạy và chăm sóc trẻ mầm non là công việc cần thiết, cần được thực hiện thường xuyên. Qua quá trình dạy học, tiếp xúc với trẻ giúp cô Nhung nhận thấy ở trẻ có sự vận động, thay đổi liên tục về tâm sinh lý, từ đó, trong các SKKN cấp trường mà bản thân cô đã thực hiện tập trung hướng đến việc làm gì, làm thế nào để có được phương pháp, biện pháp giáo dục, chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi một cách phù hợp nhất. Vì vậy, cô đã tập trung nghiên cứu viết SKKN cấp tỉnh với nội dung “Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non”, nêu bật lên được các giá trị và phương pháp có tính ứng dụng cao về rèn mọi kỹ năng học, chơi, ăn, vận động… của trẻ, tiến tới để trẻ phát triển toàn diện. SKKN của cô giáo Nguyễn Thị Nhung đã được chấm giải B cấp tỉnh và đã được nhiều đồng nghiệp nghiên cứu, áp dụng.
Qua chia sẻ của những giáo viên đã từng viết SKKN, các sáng kiến cần phải giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong công tác giáo dục để tạo tính mới; có mục đích rõ ràng khi giải quyết những vấn đề mà chủ đề của sáng kiến đặt ra; có tính khoa học, trình bày được cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn làm căn cứ cho việc giải quyết vấn đề, hay những bất cập được nêu ra trong đề tài; làm nổi bật được hiệu quả và tính ứng dụng của sáng kiến trong thực tiễn. Có giáo viên khi tham gia viết SKKN đã lồng ghép và thể hiện được hầu hết các tiêu chí về viết sáng kiến. Khi đó, các giáo viên phổ thông đã tập trung nghiên cứu nhiều sáng kiến chuyên về kiến thức cơ bản giúp học sinh nắm chắc kiến thức, hoàn thành tốt các môn học; có cách thức ôn luyện hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh khi tham gia các cuộc thi, kỳ thi, tạo hiệu ứng tích cực, có hiệu quả thực tế.
Chia sẻ về việc viết SKKN, cô giáo Ngô Thị Thu Dinh, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa cho rằng: Để có cho mình những chủ đề nội dung để nghiên cứu viết SKKN, bản thân tôi đã phải tích lũy từ công tác chuyên môn thực tế. Riêng với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi có phương pháp riêng khi đưa ra các vấn đề, cùng học sinh nghiên cứu, khuyến khích các nhóm học sinh tự nghiên cứu rồi từ các sản phẩm nghiên cứu đó tôi thực hiện tổng hợp, sử dụng giảng dạy và có sự bổ sung, chỉnh sửa thêm để viết thành SKKN. Theo tôi, công việc gì cũng luôn cần có sự tích lũy kinh nghiệm, học hỏi và tự đổi mới, nhưng với nghề giáo viên, nhất là giáo viên lãnh đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, yêu cầu này sẽ phải cao hơn. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn ấp ủ, tìm kiếm và nghiên cứu những sản phẩm mang tính đổi mới, ứng dụng tốt và SKKN chính là một cơ hội giúp tôi làm được điều đó.
Được biết, phong trào viết SKKN từ lâu đã trở thành một hoạt động có ý nghĩa dành cho giáo viên các cấp học. Hằng năm, ngành giáo dục đã tích cực chỉ đạo triển khai đến các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh về các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng các SKKN trong giảng dạy. Phong trào viết SKKN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các đơn vị. Trong 5 năm từ 2018 – 2023, toàn ngành có 2.935 sáng kiến được công nhận cấp ngành; 795 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Phong trào viết SKKN của ngành giáo dục được Hội đồng SKKN tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu của tỉnh.
Tùy theo đặc điểm mỗi cấp học, cách tiếp cận vấn đề của mỗi giáo viên, các SKKN được thể hiện tương đối phong phú về nội dung, cách thức trình bày. Các đề tài vì thế không tập trung ở những môn học chính, hoạt động chính, mà được giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu ở tất cả các môn học và hoạt động đang giảng dạy, tổ chức tại trường. Ở nhiều trường học, viết SKKN là một kênh để giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần xây dựng môi trường giáo dục đồng bộ, thân thiện, học sinh được học tập và phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, nhận thức và kỹ năng sống cần thiết.
Trên thực tế, bên cạnh những SKKN được trình bày dưới dạng đề tài có phân tích chặt chẽ về cơ sở lý luận và thực tiễn, thì những đổi mới trong cách thức dạy học hằng ngày tại các trường học cũng là giải pháp tích cực và cần thiết đối với công tác giảng dạy. Những sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn, cải tiến phương pháp dạy học tạo cơ hội tham khảo và trao đổi hữu ích giữa các giáo viên, thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong công tác giảng dạy, quản lý, mang đến những đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học. Cũng từ việc nghiên cứu, viết SKKN còn giúp giáo viên hiểu rõ và áp dụng được những đổi mới của phương pháp dạy học trong từng phần, từng môn mà mình phụ trách; biết cách khắc phục những điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất trong nhà trường để tự hoàn chỉnh phương pháp dạy học cho riêng mình; phát huy được tính sáng tạo của học sinh với các phương pháp dạy học tích cực và kỹ thuật dạy học phù hợp với bộ môn mình phụ trách.
Thanh Hà