Trong 10 năm gần đây, rong biển của Việt Nam đã phát triển, với diện tích năm 2023 đạt 16.500 ha, sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc bộ, tiếp đến là Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ… Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh.Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển. Vì vậy, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đây cũng là tiền đề bảo đảm cho các doanh nghiệp và người nông dân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả, tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao.
Xây dựng chuỗi liên kết để khai thác hiệu quả kinh tế từ rong biển. Ảnh: Internet.
Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”, diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS Đinh Xuân Lập cho biết, hiện nay, ngành rong biển Việt Nam đã mở ra một cơ hội lớn như: Thị trường toàn cầu đạt 16 – 20 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%/năm; xu thế sử dụng thực phẩm xanh, năng lượng xanh; tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sinh học và giảm sử dụng năng lượng hóa thạch; giảm ô nhiễm môi trường; gia nhập thị trường tín chỉ các-bon, giúp doanh nghiệp tận dụng các chính sách ưu đãi và mở ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế xanh… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, sẽ có một số thách thức, khó khăn, đó là chất lượng rong giống chưa được tốt; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; chế biến sâu còn thiếu; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt; bị cạnh tranh bởi các ngành kinh tế khác… Để phát triển ngành rong biển trong thời gian tới, cần triển khai các giải pháp: khép kín chuổi liên kết chuỗi từ cây giống – vùng trồng – sản xuất; thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong; ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về rong biển; phát triển sản phẩm giá trị cao…
Chia sẻ về các lợi ích của rong biển, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iot và sắt, chất béo thấp, cũng như các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, C, E, và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể, do vậy rất tốt trong việc tái tạo mô, tạo độ đàn hồi của da, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hóa, làm săn da, chống lão hóa, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.
Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS Đinh Xuân Lập phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Internet.
Để xây dựng chuỗi rong biển với sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods TS. Nguyễn Thị Sâm cho rằng, cần xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho rong biển vì nhiều lý do như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc đến thành phẩm; tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và an toàn; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho ngư dân; chuyển giao công nghệ và kiến thức; giảm thiểu tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học biển; tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững…
Các đại biểu tại hội thảo đã nhất trí rằng để phát triển bền vững nghề nuôi trồng rong biển, Việt Nam cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Sự hợp tác này không chỉ giúp cải thiện quy trình sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo giá cả ổn định hơn trên thị trường. Đồng thời, việc xây dựng chuỗi liên kết cũng sẽ giúp Việt Nam đóng góp vào bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, vì rong biển có khả năng hấp thụ CO2 hiệu quả.
Hướng đến một tương lai bền vững, các doanh nghiệp và nông dân cần phối hợp chặt chẽ hơn, từ khâu nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến và phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm từ rong biển. Việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu và mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ giúp ngành rong biển Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao” không chỉ đánh dấu bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa các bên liên quan, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành rong biển Việt Nam. Với chiến lược phát triển chuỗi liên kết bền vững, ngành rong biển hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, mang lại lợi ích kinh tế cao, cải thiện sinh kế cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tương lai./.
Thu Hằng