Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Bất chấp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới.
Đây là một trong những nội dung của báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố ngày 10/7.
Cũng theo báo cáo, Việt Nam vẫn củng cố vị trí một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.
Theo EuroCham Việt Nam, dù chỉ số niềm tin kinh doanh quý 2 giảm nhẹ 4,5 điểm xuống 43,5 điểm, nhưng Việt Nam cũng có những tín hiệu khích lệ giữa bối cảnh thách thức. Một trong số đó là việc số lượng nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh của Việt Nam trong quý 3 tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý trước.
Việc lập kế hoạch cho lực lượng lao động của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn ổn định, phản ánh cam kết duy trì sự ổn định trong bối cảnh hiện tại.
Với bối cảnh kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp tham gia khảo sát nhấn mạnh cải cách quy định và lực lượng lao động lành nghề là động lực tăng trưởng then chốt cho các công ty châu Âu tại Việt Nam.
Cũng theo kết quả khảo sát của báo cáo BCI, có hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong số đó, có 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tận dụng tối đa những thỏa thuận của EVFTA; trong đó, có thể kể đến vấn đề liên quan thủ tục hành chính và việc hiểu biết không đầy đủ về EVFTA vẫn là những rào cản chính đối với việc phát huy tối đa lợi ích từ hiệp định này.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, nên đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu.
Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện đa dạng giải pháp thiết thực, nhất là bằng cách đẩy nhanh nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. EuroCham đánh giá cao những nỗ lực này và tin rằng điều đó sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế trong dài hạn.
EuroCham hy vọng bằng cách hành động nhanh chóng và toàn diện, Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đảm bảo một nền kinh tế vững mạnh và có khả năng vượt qua trở ngại trong tương lai.
Dây chuyền dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Không chỉ EuroCham, đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, mới đây, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những dự báo tích cực.
Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ngân hàng Standard Chartered công bố ngày 7/7, đơn vị này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm).
Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023 cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm.
Ông Tim Leelahaphan – chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered chia sẻ: “Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn hứa hẹn ổn định và cởi mở. Lượng khách du lịch liên tục hồi phục sẽ củng cố cân bằng dịch vụ.”
Cùng chung nhận định, Ông Paulo Medas – Trưởng đoàn đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng.
Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Với con số này thì thấp hơn năm 2022 nhưng so với tăng trưởng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt.
Trong khi đó, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: “Nhìn chung, các thách thức từ bên ngoài sẽ tạo ra những tác động khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ có thể ở mức vừa phải trong năm 2023. Các dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6% vào năm 2023 nhưng triển vọng này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.”
Theo ông Coppola, thúc đẩy đầu tư sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 trong bối cảnh có nhiều thách thức liên quan quan tới biến đổi khí hậu như hiện nay.