Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh (CIEMB 2024) tổ chức tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội trong hai ngày 17 và 18/10/2024.
CIEMB 2024 là hội thảo lớn nhất qua 7 lần diễn ra do Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên. Đây là diễn đàn nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh.
Thông qua hội thảo, các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình.
Hội thảo cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về vấn đề đương đại trong lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Đồng thời gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hội thảo đã được 170 bài báo từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bao gồm Úc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Indonesia, Malaysia, Mauritius, Nigeria, Philippines, Slovakia, Nam Phi, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự chặt chẽ về mặt khái niệm và phương pháp luận, khoảng 91 bài báo đã được chọn để trình bày trong 21 phiên họp song song trong các lĩnh vực kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, tiếp thị, du lịch, kinh tế vi mô và các lĩnh vực khác…
Quang cảnh hội thảo CIEMB 2024. Ảnh: Quang Lộc |
Ba diễn giả chính được chọn để trình bày tại Hội nghị là Giáo sư Paul Burke, từ Đại học Quốc gia Úc trình bày nghiên cứu “Cơ hội năng lượng không carbon ở châu Á – Thái Bình Dương”; TS. Dorsati Madani, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thảo luận về nền kinh tế và triển vọng của Việt Nam; Giáo sư Peter J. Morgan, Viện ADB trình bày nghiên cứu về “Kiến thức tài chính và sử dụng công nghệ tài chính trong các doanh nghiệp gia đình: Bằng chứng từ các nước đang phát triển ở châu Á”.
Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Dorsati Madani cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2025 và 2026 vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự báo cả hai năm đều là 6,5% so với mức dự kiến của năm 2024 là 6,1%. Trong khi đó, chỉ số tăng CPI của hai năm 2025 và 2026 dự báo thấp hơn của năm 2024 (lần lượt là 4,0 và 3,5% so với 4,5% của 2024).
“Viễn cảnh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến từ việc nhu cầu mở rộng tại các thị trường cùng với nhu cầu nội địa tiếp tục gia tăng”, TS TS Dorsati Madani nói.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có xu hướng thấp trong cả hai năm 2025 và 2026.
Về khuyến nghị chính sách, liên quan đến chính sách tài khoá, chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trên các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, giáo dục. Việt Nam cũng cần tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, ngay cả ở các lĩnh vực có nhiều nỗ lực như viễn thông, điện và giao thông.
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-van-dung-truoc-trien-vong-kinh-te-tich-cuc-353018.html