Đây là một trong số các ý kiến nêu ra tại Diễn đàn đối thoại giáo dục đại học báo chí và truyền thông Trung Quốc-Việt Nam do Đại học Truyền thông Trung Quốc tổ chức chiều 25/9 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đại diện lãnh đạo gần 30 trường đại học, học viện của hai nước như Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Ngoại giao, Đại học Huế… của Việt Nam và Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Nhân Dân Trung Quốc, Đại học Ninh Hạ, Đại học Vũ Hán… của Trung Quốc tham dự.
Diễn đàn gồm 2 phiên đối thoại bàn tròn với chủ đề “Giao lưu nhân dân và triển vọng hợp tác giáo dục báo chí truyền thông” và “Trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng ngành báo chí truyền thông và đào tạo nguồn nhân lực”.
Bà Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Việc đào tạo báo chí truyền thông hiện nay đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, phát triển xã hội thông tin là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại với việc hình thành lớp công chúng mới-công chúng thế hệ số, vì vậy các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực tự chuyển đổi về tư duy, phương pháp, cách thức đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực là nhà báo trẻ đào tạo chính quy, bài bản, đa kỹ năng, có thể đáp ứng yêu cầu của ngành công nghệ báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện”.
Tại các phiên đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về nhiều chủ đề như thúc đẩy giao lưu nhân dân, triển khai hợp tác giáo dục báo chí truyền thông, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng ngành báo chí truyền thông và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Các đại biểu dự diễn đàn. |
Hai bên nhấn mạnh cần triển khai cơ chế giao lưu đối thoại với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hội thảo, diễn đàn để triển khai hợp tác lâu dài, bền vững; thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác cụ thể; chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học chung trên các tạp chí, sách báo; xây dựng nguồn dữ liệu học thuật dùng cho các chương trình nghiên cứu chung.
Ngoài ra, hai bên cũng đề nghị thúc đẩy trao đổi nghiệp vụ giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên; trao đổi học giả, giảng viên để cùng thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực; đa dạng hóa các hình thức đào tạo chung, mở các chuyên ngành mới mang tính định hướng, dẫn dắt…
Ông Hoàng Điển Lâm, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu truyền thông quốc tế, Đại học Truyền thông Trung Quốc trả lời phỏng vấn. |
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Nam thường trú tại Trung Quốc, ông Hoàng Điển Lâm, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu truyền thông quốc tế, Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết: “Có thể nói, đây là lần đầu tiên các trường đại học, học viện hai nước tổ chức hoạt động giao lưu về giáo dục đại học báo chí truyền thông quy mô lớn. Diễn đàn lần này là cơ hội để hai bên trao đổi và hiểu biết nhau hơn, từ đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy giao lưu giữa giảng viên, sinh viên hai nước”.
Nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-va-trung-quoc-thuc-day-hop-tac-giao-duc-dai-hoc-bao-chi-va-truyen-thong-post833119.html