Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan qua kênh ngoại giao về việc nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về việc nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông. Ảnh: Internert.
Liên quan đến việc Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra trung tuần tháng 7, tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Quan điểm của Việt Nam được nêu rõ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông. Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của mình, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn. Các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý phù hợp với quy định tại Điều 46 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trước đó, sáng 17/7 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS). Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên.Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã chính thức nộp Hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS). Ảnh: Internet.
Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS. Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng. Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Vào tháng 5-2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông. Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS. Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của LHQ trong quá trình Việt Nam nộp các Đệ trình của mình theo đúng các quy định có liên quan của UNCLOS và CLCS. Cùng ngày 17-7, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã gửi Công hàm tới Tổng Thư ký LHQ để bày tỏ lập trường của Việt Nam về việc Philippines nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông vào ngày 14-6-2024. Việc Việt Nam trao đổi trước với các nước về việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng là một phần trong chiến lược bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo.
Trước khi nộp đệ trình, Việt Nam tiến hành trao đổi, tham vấn với các quốc gia láng giềng có liên quan. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần hợp tác và minh bạch trong quan hệ quốc tế mà còn giúp giảm thiểu rủi ro về tranh chấp. Đệ trình được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, khảo sát địa chất, địa mạo và biển nhằm xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng một cách chính xác và hợp pháp. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này giúp tăng cường tính thuyết phục của đệ trình. Việc nộp đệ trình không chỉ đơn thuần là công bố một ranh giới mà còn là một hành động nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia của Việt Nam tại các vùng biển, thềm lục địa của mình. Việc trao đổi trước với các nước về việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định quốc tế mà còn khẳng định quyết tâm của đất nước trong việc bảo vệ quyền lợi và chủ quyền lãnh thổ của mình trên biển./.
Thanh Tùng
Bình luận (0)