Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác song phương trong thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm tại Việt Nam.
Một trong những quyền quan trọng của người dân được đảm bảo là quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động. Để làm được điều này, Việt Nam đã và đang có các chính sách, quy định phù hợp, tích cực tham gia và làm thành viên của các công ước quốc tế về quyền của người lao động, góp phần đảm bảo đời sống và sự phát triển của người dân.
Là thành viên tích cực của ILO
Việt Nam đã tham gia 25/189 công ước của ILO liên quan đến quyền của người lao động. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ luật Lao động 2019 đã nội luật hóa nội hàm của một số công ước quan trọng của ILO (Công ước số 98, 88, 159). Cụ thể hóa quyền có việc làm, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… đều ghi nhận quyền làm việc và tự do lựa chọn việc làm của cá nhân.
Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của ILO, phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác song phương trong thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm tại Việt Nam như dự án nâng cao năng lực Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam, Dự án thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới bảo đảm tôn trọng Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động,dự án “An toàn và sức khỏe cho người lao động-An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ”.
Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về Việc làm bền vững 2017 – 2021; Chương trình Việc làm tốt hơn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO thực hiện. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tham gia tích cực các hoạt động của ILO, các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Việt Nam cũng chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực di cư lao động như Diễn đàn ASEAN về lao động di cư, Tiến trình Colombo (Hội đàm cấp bộ trưởng về quản lý việc làm ngoài nước và lao động theo hợp đồng cho các nước phái cử Châu Á) và Diễn đàn đối thoại cấp cao Abu Dhabi (diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia phái cử lao động).
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Nhà nước Việt Nam ban hành các chính sách về việc làm và phát triển thị trường lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới.
Trên cơ sở Bộ luật Lao động, Luật Việc làm và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế – xã hội, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm quy định cụ thể các chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là cho các nhóm lao động yếu thế; các chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động (chính sách bảo hiểm thất nghiệp); các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động; các chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp… góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 1.892 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 401 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Về tuyển sinh, đào tạo, giai đoạn 2016-2022 đã có 15.252.722 người được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 3.241.989 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác là 12.010.733 người.
Các kênh giao dịch việc làm trên thị trường lao động ngày càng đa dạng, gồm: 83 trung tâm dịch vụ việc làm (63 trung tâm dịch vụ việc làm do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và 20 trung tâm thuộc ngành, tổ chức chính trị – xã hội) và trên 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Từ năm 2016-2020, 11.077 ngàn người đã được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người. Giai đoạn 2016 – 2020, giải quyết việc làm cho 7.94 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 là 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 26.1%), chất lượng việc làm, năng suất lao động được củng cố, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867 nghìn lao động, trong đó có trên 7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm 2021, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.