Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã góp phần tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Mặc dù vậy, những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia có một trở ngại đối với DN trong việc thực thi FTA là do nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này.
Thực thi các FTA còn hạn chế về nhân lực
Tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã và đang thực thi 15 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và UKVFTA). Những FTA này không chỉ bao gồm các lĩnh vực truyền thống như thuế quan, mà còn bao gồm các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ.
Chính vì thế, nội dung cam kết của các FTA thế hệ mới tương đối phức tạp, nhiều tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải có đội ngũ nguồn nhân lực hiểu sâu, hiểu sát những cam kết này, để giúp cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như DN có thể nắm và thực thi đúng, đầy đủ. Do thiếu và yếu về nhân lực nên tỷ lệ tận dụng các FTA còn khá hạn chế. Chẳng hạn như EVFTA, đến nay cũng chỉ đạt mức 26%, thậm chí CPTPP chỉ ở mức 5%. Rõ ràng, những con số này là rất thấp so với dư địa và cơ hội mà các FTA mang lại.
Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho rằng, nhân sự chuyên gia hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thực thi các FTA cho các DN. Hải Phòng rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA. Hằng năm, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức như là công tác hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA còn rất hạn chế và khó khăn đó là kiêm nhiệm, làm nhiều việc khác nhau.
Ở góc độ DN, bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech cho biết, DN cũng gặp khó khăn về tìm kiếm chuyên gia để đào tạo cho đội ngũ nhân sự của bộ phận xuất nhập khẩu. Thực tế trong quá trình làm bộ phận nhân sự chỉ có thể nắm bắt được về chuyên môn thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng. Do vậy, công ty mong muốn tìm kiếm được chuyên gia tư vấn từ bộ, ban, ngành để DN cập nhật thông tin về phòng vệ thương mại.
“Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm từ FTA để có thể tư vấn cho đội ngũ nhân sự. Từ đó có thể có những biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là các FTA liên quan đến cả quy định về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Bởi, khi DN được chuyên gia tập huấn thì sẽ thuận lợi trong đầu ra, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang xay. Theo đó, sẽ gia tăng được lợi nhuận, giá trị cho DN và ổn định phát triển bền vững sang thị trường nước ngoài”, bà Lê Thị Hằng nói.
Gia tăng số lượng nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trở ngại cho DN Việt Nam tận dụng các FTA. Trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng chính là khó khăn nguồn nhân lực ở cả cấp độ Trung ương, cấp độ tỉnh, thành và cấp độ DN.
Lấy ví dụ về vấn đề này, bà Lan Phương cho biết, Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Quá trình thực thi liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên trách nhiều hơn nữa để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và DN. Còn ở cấp độ địa phương, có tỉnh thành có con số nhân sự khả quan, có thể 5 – 7 nhân sự nhưng có những tỉnh, thành thì chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.
“Ví dụ họ phải thực hiện việc cấp C/O, quản lý xuất nhập khẩu. Tình trạng chưa đủ nhân sự ở các tỉnh, thành về nội dung FTA là một trở ngại rất lớn và Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này”, bà Lan Phương thông tin. Với DN, do đặc thù các DN Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ (SME) nên khả năng có một bộ phận pháp chế, một bộ phận chuyên gia về FTA tương đối khó khăn.
“Chúng ta đang làm việc với những thị trường rất khó tính như: EU, Canada, Mỹ… là những thị trường có rào cản phi thương mại rất lớn. Nếu như chuyên gia không nắm rõ những quy định về hải quan, về xuất xứ hay về lao động, môi trường trong hiệp định, cũng như các chính sách mới phát sinh tại các thị trường này sẽ rất khó để duy trì được tính bền vững và thị phần ổn định tại các thị trường này”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên phân tích.
Đề xuất giải pháp, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, phải gia tăng số lượng nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA (từ cấp trung ương đến địa phương và DN), bằng cách phải đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và quy mô hơn.
Việc chuẩn bị một đội ngũ nhân lực đủ năng lực, không chỉ giúp DN tăng trưởng xuất khẩu mà còn tránh bị các thị trường cạnh tranh “giật” mất thị phần hoặc đơn hàng. Do đó, đối với các DN vừa và nhỏ có thể hình thành một nhân sự chuyên trách kết nối với những đơn vị có thể cung ứng được nhân lực về chuyên gia FTA, như thế sẽ giảm gánh nặng cho DN trong việc phải thiết lập riêng một bộ phận.
Bên cạnh đó, năm 2023 trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, Bộ Công Thương sẽ bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức và tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các DN khi mà DN có nhu cầu. Về phía mình thì các DN cần phải chủ động hơn nữa trong việc nâng cao năng lực thực thi các FTA, tích cực tiếp cận và tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội kết nối hợp tác với các DN tại khu vực FTA, qua đó tận dụng hiệu quả cơ hội mà các hiệp định này mang lại.
CAND