Từng bước nới lỏng các thủ tục thanh toán với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Reuters, Việt Nam đang lên kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được xem là một biện pháp quan trọng để thuyết phục các tổ chức xếp hạng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi, từ đó có thể thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư mới chảy vào.
Việt Nam sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phiếu. Đây là động thái được Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đánh giá là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở quá trình nâng hạng thị trường trong nhiều năm.
Hiện Việt Nam được các tổ chức xếp hạng thị trường là FTSE Russell và MSCI phân loại vào nhóm thị trường cận biên. Điều này phần nào trở thành rào cản đối các tổ chức cũng như quỹ đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp niêm yết. Mới đây, đại diện FTSE Russell đã có buổi làm việc với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cập nhật các thông tin chính sách/thị trường, định hướng giải pháp chi tiết để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Reuters trích đánh giá của bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc chiến lược Chứng khoán SSI – người trực tiếp tham gia vào kế hoạch rằng: “Các cuộc họp với FTSE Russell rất tích cực và có thể dẫn đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9.2025”.
Để đáp ứng mốc thời gian đó, FTSE Russell sẽ cần thông báo việc nâng hạng sớm nhất là vào tháng 9.2024, trước thông báo chính thức từ 6 – 12 tháng. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vào chung nhóm với thị trường Indonesia, Philippines, Qatar và Trung Quốc.
Nhiều cổ phiếu hưởng lợi khi thị trường nâng hạng
Trong trường hợp chứng khoán Việt Nam được FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và vị thế quốc gia.
Theo quan sát từ nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đa phần các thị trường trước thời điểm được FTSE nâng hạng chính thức 1 – 2 năm đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể, Qatar tăng hơn 45% (tháng 9.2013 – tháng 9.2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (tháng 3.2017 – tháng 3.2018), Romania tăng hơn 18% (tháng 9.2018 – tháng 9.2019).
Nhiều mã cổ phiếu bất động sản được dự báo hưởng lợi tích cực như VIC, VHM, VRE… Nhóm chứng khoán có nhiều đại diện dự báo góp mặt như SSI, VND, VCI, VIX… Ngoài ra, một số mã trong ngân hàng, thực phẩm, điện, thép, dầu khí… cũng được dự báo có hiệu ứng tích cực sau khi chứng khoán được nâng hạng.
Tương tự với khi được MSCI nâng hạng, các thị trường chứng khoán đều cải thiện tích cực. Cụ thể, Trung Quốc tăng hơn 26% (tháng 1.2016 – tháng 4.2017), Saudi Arabia tăng hơn 25% (tháng 6.2017 – tháng 6.2018), Kuwait tăng hơn 27% (tháng 11.2018 – tháng 1.2020).
Còn ước tính của Công ty Chứng khoán BSC cho thấy trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3,5 – 4 tỉ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.