Từ sau khi tuyên bố cam kết về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP 26, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.
Tham gia các sáng kiến quan trọng
Trả lời báo chí trước chuyến đi của đoàn Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân đến tham dự COP 28, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng chia sẻ với báo chí về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, ngay trước khi COP 28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các Sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này, trong đó có Cam kết làm mát toàn cầu và Sáng kiến thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris…
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ xem xét tham gia một số Sáng kiến khác như: Cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe; Nhóm các nước ủng hộ hành động vì biến đổi khí hậu liên quan đến văn hóa tại Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Tuyên bố về Hệ thống thực phẩm linh hoạt, Nông nghiệp bền vững và Hành động về khí hậu; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu…
Quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị là ứng phó biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, các nguyên tắc khác bao gồm tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào.
Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, đồng thời tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. Đồng thời, Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức cần bảo đảm công bằng, công lý khí hậu.
Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phải chăng cho mọi doanh nghiệp, người dân và việc làm cho người lao động; tăng cường tài chính cho thích ứng, sớm đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự kiện quan trọng toàn cầu
COP 28 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao nhất trong năm 2023. Sự kiện có hơn 130 Nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ các quốc gia đến tham dự để cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp lâu dài trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây là sự kiện đa phương quan trọng nhất về biến đổi khí hậu trong năm nay.
Trên phạm vi toàn cầu, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt được mục tiêu theo Thoả thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Điều đó đồng nghĩa với việc cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính, tài chính cho khí hậu (trong đó có tài chính cho thích ứng) và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đảm bảo công bằng, công lý khí hậu và dựa trên nền tảng là đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó các nước phát triển có vai trò đi đầu, tạo động lực cho các hành động khí hậu, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển.
Chính vì vậy, tham dự Hội nghị COP 28 lần này, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu.
Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng. Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030).
Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi. Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, COP28 dự kiến sẽ công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take – GST) đầu tiên để đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đây là một công cụ quan trọng, góp phần hỗ trợ thế giới điều chỉnh nỗ lực hành động vì khí hậu, bao gồm các biện pháp cần được thực hiện để thu hẹp các khoảng trống trong các nỗ lực hiện nay.
COP28 năm nay được dự báo sẽ là một trong những kỳ họp căng thẳng nhất, nhưng cũng là cơ hội để thế giới cùng hợp tác, thảo luận để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết từ các kỳ hội nghị COP.
Trong đó, có thể kể đến việc thông qua Quy hoạch Điện VIII với việc gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số đối tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam tại COP27 tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất, bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế. Thứ hai, tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba, huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phương Anh (Tổng hợp )