Chỉ 2 năm sau cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 năm 2021, VN đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có bộ tiêu chí về thực hiện mục tiêu này. Những bước đi thần tốc và mạnh mẽ đang ghi dấu ấn một VN “xanh” trong “cuộc chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu.
Không chỉ là “những lời nói suông”
Trực tiếp tham gia trong đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP28 tại UAE hồi đầu tháng 12.2023, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), chia sẻ đầy tự hào rằng VN nằm trong nhóm số ít quốc gia đầu tiên trên thế giới có bộ tiêu chí, chương trình về giảm phát thải ròng. Nhóm giám sát khí hậu Net Zero Tracker tại COP28 đã cảnh báo hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ cam kết về mục tiêu phát thải ròng khí carbon bằng 0 đều chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và điều này khiến những cam kết có nguy cơ chỉ là “những lời nói suông”. Có khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ đưa ra cam kết chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, song mới chỉ có 13% trong số này đưa ra ít nhất một kế hoạch cụ thể về giảm khí đốt. “Điều này khiến rất nhiều cơ quan có mặt tại COP28 thực sự bất ngờ vì chúng ta không phải quốc gia đi đầu về giảm phát thải, về tăng trưởng xanh nhưng đã thực hiện rất nhanh và tích cực”, ông Đỗ Văn Sử nói.
Thực tế, ngay sau cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước 25.000 đại biểu từ 200 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự COP26, VN đã hoàn thiện Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), xem xét kỹ lưỡng các chiến lược, chính sách cũng như cập nhật chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0, trong đó có Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Quy hoạch Phát triển Điện lực VN (PDP8). Bên cạnh đó, Thủ tướng đã thông qua Kế hoạch hành động giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Song song, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải nhằm tìm cách phát triển ngành vận tải và thúc đẩy giao thông sạch trên toàn quốc, bao gồm việc thúc đẩy sử dụng xe điện, thúc đẩy cơ sở hạ tầng vật chất bao gồm nguồn sạc điện cũng như thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng chạy điện.
Đặc biệt, việc VN đạt được thỏa thuận với Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với những cam kết nhằm cụ thể hóa và đề ra lộ trình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng đã thực sự gây ấn tượng. Chủ trương về biến đổi khí hậu một lần nữa được Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định tại COP28 cùng 12 biện pháp lớn, toàn diện mà VN đã triển khai, công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng đã thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các tổ chức quốc tế. Trong nhiều cuộc trao đổi, VN nhiều lần được nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nước khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành với nước ta trong chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh của VN và bảo vệ trái đất.
Quốc gia đầu tiên xuất khẩu dịch vụ di chuyển xanh
Ngay sau khi ghi tên mình vào danh sách số ít quốc gia đầu tiên có bộ tiêu chí, chương trình về giảm phát thải ròng, VN tiếp tục trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xuất khẩu dịch vụ di chuyển xanh với sự kiện Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM (Green & Smart Mobility) chính thức khai trương dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Lào. Chiều 9.11.2023, hơn 150 xe VinFast VF 5 Plus màu xanh lục lam đặc trưng của thương hiệu Xanh SM xếp hàng ngay ngắn, như xoa dịu cái nắng chói chang của thủ đô Vientiane. Dù văn hóa sử dụng ô tô của Lào đi trước VN nhưng VinFast đã rất tự tin chọn “đánh” luôn vào thị trường mới nhất, vào công nghệ đẳng cấp nhất là xe điện, là dịch vụ xanh. Như nhận định của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xuất khẩu dịch vụ không phải yếu tố mới của VN. Chúng ta đã xuất khẩu nhiều loại hình dịch vụ như du lịch, logistics, viễn thông, ngân hàng… Song, chúng ta chủ yếu vẫn xuất khẩu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ. Xanh SM một lần nữa đưa dịch vụ taxi của VN quay trở lại chinh phục thị trường Lào, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu dịch vụ của VN, tạo xu thế đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đưa ra thế giới. Thương hiệu taxi điện của VN tại Lào không chỉ phục vụ người dân Lào mà còn góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp (DN) Việt, thương hiệu Việt tới bạn bè thế giới.
Song song với đưa thương hiệu taxi điện của VN vươn tầm quốc tế, Xanh SM cũng đang từng bước phủ xanh đường phố VN. Ứng dụng Taxi Xanh SM đã đạt 100.000 lượt tải trong ngày đầu tiên ra mắt và đến nay, đạt nhiều triệu lượt tải xuống trên cả CH Play lẫn App Store, luôn đứng top 1 bảng xếp hạng App Store hạng mục Travel, và luôn nằm trong top bảng xếp hạng free app của nền tảng iOS. Hãng taxi thuần điện đầu tiên của VN cũng như trên thế giới chỉ mất 38 ngày để hiện thực hóa một dự án nghìn tỉ, 51 ngày để tuyển dụng 1.700 nhân viên phủ trên 2 thành phố lớn nhất VN. Sau hơn 7 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động, GSM sở hữu lượng nhân sự lên tới 30.000 người, trong đó hơn 14.000 người là tài xế taxi. Dự kiến, đội xe sẽ chạm mốc 30.000 ô tô điện và 60.000 xe máy điện trong một vài tháng tới. Số lượng xe và tài xế của GSM hiện đã ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn so với những DN taxi lâu năm.
Chính quyền các địa phương trên cả nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chính sách để thực hiện công cuộc chuyển đổi phương tiện xanh. Đi đầu là TP.HCM. Tháng 1.2022, TP khởi động nghiên cứu kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện thông qua dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” do Chính phủ Đức tài trợ nhằm thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. Khi đó, khát vọng trở thành TP đầu tiên của VN phát triển giao thông điện của TP.HCM không mấy được quan tâm, thậm chí nhận về nhiều e ngại về tính khả thi. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau khi công bố kế hoạch, TP.HCM chính thức thí điểm tuyến xe buýt điện đầu tiên, mở đầu công cuộc đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Mới nhất, TP dự kiến sẽ ban hành đề án hỗ trợ người dân đổi xe máy điện và triển khai thực hiện vào quý 1/2024, sau khi có được cơ sở pháp lý từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, sẽ có những chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện mới là xe điện, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Chính sách được xây dựng theo từng mức độ: khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi.
Song song, Sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn H.Cần Giờ và một số khu vực trong vùng nội đô. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước… sang xe điện. Theo sau TP.HCM, thủ đô Hà Nội đã lần lượt đưa loại hình xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và xe đạp đô thị vào hoạt động. Đà Nẵng, Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng bắt đầu đi những bước đầu tiên trong chuyển đổi phương tiện xanh bằng việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp công cộng, kết hợp cùng mạng lưới xe buýt chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG.
Xe máy điện, ô tô điện đã dần trở nên quen thuộc với người dân VN. Nước ta cũng đang sở hữu hạ tầng trạm sạc có mật độ lớn hàng đầu thế giới. Nhập cuộc sau nhưng chúng ta đang tăng tốc rất nhanh trên hành trình giao thông xanh.
Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Không chỉ có bước tiến của ô tô điện, hàng loạt DN đã dần chuyển mình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, Nestlé VN chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị, nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên. Tương tự, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken VN hiện đều có thể tái chế. Hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% lượng chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton. Hay một DN Việt đi tiên phong trong lĩnh vực tái chế là Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân đến thời điểm này đã nhận tổng cộng 23 loại chứng nhận quốc tế về chất lượng, trong đó nổi bật nhất là chứng nhận FDA của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, cùng chứng nhận EFSA từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu. Từ đó giúp sản phẩm của công ty xuất khẩu khá thuận lợi. Mỗi năm, Nhựa tái chế Duy Tân xuất 5.000 tấn hạt nhựa nguyên liệu vào Mỹ nhưng chưa lần nào bị đổi trả. Hiện tại, tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng gần 60%, phần còn lại là nội địa. Công ty kỳ vọng trong những năm tới có thể tiếp tục hợp tác với các DN VN để nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 50%…
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), việc thực hiện lộ trình giảm phát thải về 0 hay kinh tế tuần hoàn đang tạo nên áp lực cho tất cả DN, đặc biệt là các đơn vị sản xuất xuất khẩu. Bởi một số hàng hóa xuất khẩu từ năm 2024 bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện giảm thải carbon hoặc phải đóng phí thải carbon khi vào thị trường EU. Quá trình chuyển đổi sản xuất này cũng sẽ là gánh nặng chi phí cho các DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo chưa thật sự hồi phục hoàn toàn và kinh tế VN cũng chưa thể tăng trưởng cao như trước đại dịch. Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ DN chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông Việt đề xuất nên hỗ trợ về giải pháp tài chính, hướng đến có nguồn vốn vay ưu tiên cho các DN thực hiện thay đổi máy móc, công nghệ, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cơ chế thị trường để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng sản phẩm này trong nguồn cung cấp điện của VN. Bởi nhiều quy định sẽ yêu cầu DN xuất khẩu phải chứng minh được nguồn năng lượng sạch, xanh trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Những giải pháp, lộ trình thực hiện sản xuất xanh, giảm khí thải cần được cân nhắc kỹ theo từng ngành sản xuất để DN có thể thực hiện được bởi không thể vội vàng hay xanh hóa ngay lập tức trong bối cảnh DN còn đối diện nhiều khó khăn.
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ và Bộ TN-MT đã đi tiên phong trong những nỗ lực liên quan đến JETP trong nhiều tháng qua, gần đây nhất là việc chuẩn bị một dự thảo toàn diện về Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP để ra mắt tại COP28. Bằng cách thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đồng thời đảm bảo tạo việc làm bền vững và các khía cạnh công bằng trong quá trình chuyển đổi, VN có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của đất nước
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại VN
Ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh
Ngày 1.11.2023, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT ban hành Thông tư số 10 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Đây là cơ sở giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và cả nước. Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 4 mục tiêu chính gồm Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế (bao gồm các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, công nghệ, vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước); Mục tiêu 3 là Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (môi trường, xã hội; đô thị; Chính phủ). Mục tiêu cuối cùng là Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn
Bộ TN-MT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở VN để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.