TS. Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort
Theo ông, ngành logistics đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?
Tôi tin rằng, ngành logistics đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam SuperPort, chúng tôi triển khai những hành động quyết liệt, như đầu tư vào xe điện và nghiên cứu công nghệ hydrogen cho vận chuyển đường dài. Chúng tôi cũng tận dụng vị trí chiến lược của cảng để thúc đẩy hệ thống vận tải đa phương thức, tập trung vào các lựa chọn thân thiện với môi trường như đường thủy nội địa và đường sắt.
Vị trí đắc địa của cảng cho phép chúng tôi tăng cường ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tích cực hợp tác với các đối tác để tối ưu hóa hoạt động vận hành vì mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi cam kết dẫn đầu xu hướng logistics xanh và thiết lập các tiêu chuẩn mới cho logistics bền vững tại Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Việt Nam SuperPort đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2040. Vì sao vậy?
Cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2040 là một mệnh lệnh chiến lược, thể hiện trách nhiệm của Công ty đối với môi trường, hưởng ứng nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành. Mục tiêu này sẽ giúp chúng tôi giảm thiểu rủi ro pháp lý, thúc đẩy hiệu quả hoạt động và mở ra các cơ hội kinh tế mới trong bối cảnh kinh tế xanh đang ngày càng phát triển.
Cam kết này không chỉ giúp Việt Nam SuperPort nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của các bên liên quan. Bằng cách chuyển sang mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chúng tôi đang xây dựng khả năng phục hồi lâu dài trước những thách thức từ môi trường và thị trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và điều chỉnh cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai bền vững. Mục tiêu này cũng phản ánh tầm nhìn trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm trong ngành logistics, đảm bảo thành công lâu dài của Việt Nam SuperPort trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Việt Nam SuperPort sẽ có những bước đi nào để đạt được mục tiêu này?
Để đạt mục tiêu, Việt Nam SuperPort áp dụng cách tiếp cận toàn diện, bao gồm chuyển đổi cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng và tối ưu hóa hoạt động vận chuyển. Các bước đi chính bao gồm tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và hydro; chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện; tăng cường kết nối đa phương thức để tinh giản hoạt động logistics và giảm dấu chân carbon; tận dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT và tự động hóa để nâng cao hiệu quả vận hành. Chúng tôi sẽ thiết kế cơ sở hạ tầng cảng bền vững, phát triển hạ tầng hạn chế sử dụng carbon, lắp đặt hệ thống vận chuyển bằng điện từ cảng đến tàu, bù đắp lượng phát thải còn lại bằng tín chỉ carbon và triển khai hệ thống giám sát, báo cáo khí thải nghiêm ngặt. Chiến lược này giúp Việt Nam SuperPort trở thành đơn vị dẫn đầu trong vận hành cảng logistics bền vững, góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải carbon và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các trung tâm logistics thân thiện với môi trường trong khu vực.
Việt Nam SuperPort đang tiên phong phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số. Ông có thể chia sẻ một số sáng kiến của Việt Nam SuperPort?
Việt Nam SuperPort sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh thông qua một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện, có khả năng tối ưu hóa các tuyến đường, giảm lượng khí thải carbon và kiểm soát việc sử dụng tài nguyên. Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh của chúng tôi sẽ bao gồm hệ thống chiếu sáng thông minh, điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo, góp phần sử dụng năng lượng hiệu quả. Chúng tôi cũng sẽ phát triển một hệ thống phân tích dữ liệu và nền tảng quản lý ESG, thông qua đó giám sát và tối ưu hiệu suất môi trường, cho phép theo dõi lượng khí thải carbon, xác định các khu vực cần phải cải thiện và đo lường tiến độ, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Những thách thức trong quá trình chuyển đổi Net Zero là gì và làm thế nào để Việt Nam SuperPort vượt qua, thưa ông?
Có nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi Net Zero, bao gồm các rào cản công nghệ, việc cân nhắc tài chính, sự tuân thủ quy định và sự tham gia của các bên liên quan… Để vượt qua những thách thức này, chúng tôi đã thực hiện một chiến lược toàn diện, bao gồm thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp công nghệ cũng như hợp tác công – tư để tiếp cận các công nghệ xanh tiên tiến.
Cách tiếp cận này cho phép chúng tôi cân bằng các khoản đầu tư lớn ban đầu với tiết kiệm chi phí trong dài hạn thông qua cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và các công cụ tối ưu hóa trên nền tảng kỹ thuật số. Điểm mấu chốt là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh toàn cầu trong khi giảm thiểu tác động đến môi trường.
Baodautu.vn
Nguồn:https://baodautu.vn/viet-nam-superport-kham-pha-du-dia-moi-trong-logistics-xanh-d229990.html