Kinhtedothi – Là người gắn bó với Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski có bài viết tâm huyết về Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại mảnh đất mà ông “để lại cả trái tim mình”.
Lịch sử của các quốc gia hiếm khi đi theo đường thẳng. Cải cách chính sách và cơ cấu ít khi xảy ra, nhưng khi xuất hiện, chúng thường kéo theo thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Đây là kinh nghiệm của Australia sau nhiều cuộc cải cách vào cuối những năm 1980 và đầu 1990. Tuy nhiên, tất cả cải cách dù thế nào cũng đều trở nên lỗi thời và sự kém hiệu quả bắt đầu len lỏi vào hệ thống và gây ra trì trệ kinh tế sau đó. Ở một số nước, nó sẽ tạo ra một chu kỳ cải cách mới, trong khi ở những nước khác lại gây ra sự trì trệ vô thời hạn.
Tại Việt Nam cũng vậy, cuối thập niên 1980 là thời kỳ của sự thay đổi táo bạo – sự thay đổi đã tạo nền tảng cho nhiều thập kỷ thành công. Một kỹ sư lớn tuổi người Việt Nam từng giải thích với tôi về Đổi Mới rằng nó giống như một lò xo cơ khí khổng lồ giúp nền kinh tế và xã hội Việt Nam bật lên trong nhiều năm. Nhưng “lò xo đó đã tới hạnvà cần thiết có một lò xo mới để thúc đẩy đất nước tiến lên.”
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự cân bằng và hài hòa trong xã hội Việt Nam. Tôi cảm nhận được (từ góc độ quan sát của một người làm ngoại giao) sự đồng thuận sâu rộng, mạnh mẽ lan tỏa trong Nhân dân, rằng một thời kỳ đổi mới là cần thiết. Nhưng cũng có một số hoài nghi liệu điều đó có khả thi hay không. Vì vậy, mục đích của tôi khi viết bài báo này là để cung cấp một góc nhìn cảm thông, nhưng chân thật về các xu hướng hiện tại.
Sự thay đổi, đặc biệt khi chúng mang tính cách mạng, thường gây xáo trộn và ngay cả những thay đổi cần thiết và tích cực nhất cũng không thể tránh khỏi việc tạo ra kẻ thắng và người thua. Trong bối cảnh của Australia, những thay đổi chính sách lớn thường đi kèm các cuộc tranh luận công khai sôi nổi. Chúng tôi coi trọng điều đó. Nhưng đôi khi những cải cách dù rất cần thiết lại thất bại do sự khác biệt đảng phái hoặc bất đồng chính trị. Hệ thống chính trị của Việt Nam dựa trên sự đồng thuận. Tôi không nghĩ rằng bất kỳ hệ thống nào là hoàn hảo trong việc điều hướng sự thay đổi và mọi hệ thống đều có những ví dụ về thành công và thất bại riêng. Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo và sự kiên định luôn là những yếu tố quyết định.
Tại Hội nghị toàn quốc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức vào Chủ Nhật, ngày 1/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó có một số điều đã gây ấn tượng với tôi ngay lập tức. Thứ nhất, không có ngôn từ về ý thức hệ – bài phát biểu nói về hành động thay vì ý tưởng. Thứ hai, thay vì những lời kêu gọi đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng như thường lệ, bài phát biểu tập trung vào việc tạo ra điều kiện cần thiết để biến tất cả những điều này thành hiện thực. Cuối cùng, ngôn từ rất thẳng thắn. Tổng Bí thư đã đưa ra một tấm gương mà mọi người đều có thể thấy mình được phản chiếu trong đó. Đó là một tuyên bố rất mạnh mẽ.
Trọng tâm của Tổng Bí thư là bộ máy chính phủ và các cách cải thiện hoạt động của bộ máy này. Trung tâm Việt – Úc (VAC) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho các nghiên cứu và trao đổi về cải cách dịch vụ công. Để đem lại hiệu quả, sự thay đổi không thể chỉ đơn thuần về cấu trúc mà về cả văn hóa, và trên mọi cấp độ. Những mô hình dịch vụ công tốt nhất là những mô hình trân trọng sáng kiến đồng thời nhấn mạnh sự giải trình, tính trách nhiệm, và sự minh bạch.
Tuy nhiên, đối với tôi, phần nổi bật nhất của bài phát biểu là cam kết tăng trưởng kinh tế hai con số – một điều cần thiết và đầy hứa hẹn, nhưng đồng thời cũng yêu cầu một phương thức làm kinh tế mới. Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức 6%-7% trong khi vẫn giữ vững tay chèo. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, chính phủ cần nhả tay lái và đưa ra định hướng kinh tế từ ghế sau.
Kỷ nguyên mới của Việt Nam đang đến vào thời điểm quan trọng trong bối cảnh tình hình toàn cầu ngày càng khó khăn. Về mặt kinh tế, chúng ta đang trong giai đoạn giảm thiểu rủi ro và tách rời, chuỗi cung ứng ngắn hơn và thuế quan có thể cao hơn. Đây không phải là điều lý tưởng đối với các quốc gia thương mại như Việt Nam và Australia. Nhưng Việt Nam có một số lợi thế lớn, nhận được sự quan tâm rất lớn vào thời điểm mà nguồn vốn toàn cầu đang tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn. Nhưng tiền giống như nước, thường chảy chỗ trũng và không chờ đợi. Và, nếu bị chặn, nó sẽ đi một con đường khác.
Có một nguồn tài chính lớn đang chờ đợi Việt Nam, đặc biệt là từ các tổ chức đầu tư, nếu có cơ chế pháp lý và quy định phù hợp. Đối với các nhà đầu tư Australia, cơ chế này bao gồm việc được cấp phép nhanh hơn, luật về thuế quan rõ ràng hơn, tính pháp lý ổn định, và khả năng thoái vốn khi đến thời điểm.
Tình hình địa chiến lược cũng đang phức tạp. Hệ quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine, bao gồm những hệ quả đối với khu vực của chúng ta, vẫn chưa phát tác. Các cuộc xung đột, căng thẳng và sắp xếp lại đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều yếu tố trong số này có liên quan đến nhau. May mắn thay, Bộ Ngoại giao và các nhà ngoại giao Việt Nam là tài sản quý giá của quốc gia, và ngoại giao Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách nhất quán của mình. Tôi cũng hy vọng sự hiện diện của Việt Nam trên thế giới sẽ tăng lên, nhưng theo cách riêng của Việt Nam.
Việt Nam và Australia khác nhau về nhiều mặt nhưng là đối tác đặc biệt của nhau. Chặng đường 50 năm hợp tác đã tạo nên mối quan hệ của lòng tin và sự tôn trọng. Chúng tôi đã từng nằm trong số ba nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, cung cấp cáp ngầm đầu tiên, liên kết vệ tinh đầu tiên, đường dây điện 500 KV Bắc-Nam đầu tiên và những cây cầu đầu tiên bắc qua sông Mê Kông… Khi Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế và đường cong giá trị trong xu hướng đi lên, các cơ hội hợp tác với Australia sẽ lại tăng lên. Hiện tại, tôi biết có các công ty Australia sẵn sàng đầu tư mảng năng lượng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, chế biến đất hiếm và khoáng sản quan trọng như vonfram, chuyển đổi số, công nghệ nông nghiệp, và giáo dục đại học… Tôi rất hy vọng các dự án của hai nước sẽ diễn ra trong tất cả các lĩnh vực này.
Mục đích của bài viết này là để tuyên bố rõ ràng sự ủng hộ của Australia đối với định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi. Các bạn là một đất nước quan trọng đối với chúng tôi – và không chỉ với tư cách là một đối tác thương mại. Lịch sử, địa lý và lẽ thường cho chúng ta thấy rằng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và có chủ quyền là điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của cả khu vực. Và mặc dù Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, nhưng chúng không là gì so với những gì đất nước này đã đối mặt và vượt qua.
Trước đây, tôi đã so sánh Việt Nam với chiếc ô tô Vinfast VF8 – với phanh tay vẫn đang kéo. Phanh tay sắp được nhả ra và cả thế giới sẽ được chứng kiến Việt Nam tăng tốc vào một tương lai mới và đầy hứng khởi.
Nhiệm kỳ công tác của tôi ở Việt Nam, rất tiếc, sắp kết thúc. Nhưng trái tim tôi đã ở lại nơi đây với những con người Việt Nam tuyệt vời. Tôi mong sẽ tiếp tục mối thâm tình với Việt Nam và rất nhiều người bạn mà tôi may mắn gắn bó ở đất nước này.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-se-vung-tay-cheo-trong-ky-nguyen-moi.html