Đây là tầm nhìn được xác định trong Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020.
CƠ HỘI BỨT PHÁ, VƯƠN LÊN
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình, chiến lược về CĐS quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS song hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Chương trình CĐS quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.
Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Theo đó, ở cấp độ toàn quốc, CĐS là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, CĐS là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương CĐS thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, CĐS là nhiệm vụ cần có sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp T.Ư đến địa phương.
Chương trình cũng đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.
Đánh giá về kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay đến nay nhận thức về CĐS đã đến được mọi cấp chính quyền và người dân. Thể chế số đã cơ bản được hoàn thiện, nhiều luật, nghị định, chiến lược quốc gia về CĐS đã được ban hành. Hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu đã được coi là hạ tầng thiết yếu quốc gia và đang được đặc biệt chú trọng phát triển. Các cơ sở dữ liệu quốc gia được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. An toàn, an ninh mạng được coi là điều kiện cần để thực hiện CĐS.
Bên cạnh đó, đào tạo số, bao gồm đại học số, cao đẳng dạy nghề số, đào tạo kỹ năng số online cho người dân là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Những tháng còn lại của năm 2023 và 2 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ tập trung CĐS để tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, cho doanh nghiệp, cho hệ thống chính quyền các cấp.
KINH TẾ SỐ TĂNG TRƯỞNG GẤP 3 – 4 LẦN TĂNG TRƯỞNG GDP
Để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045, Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi xanh và CĐS là 2 chuyển đổi quan trọng nhất. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh muốn “xanh” thì phải “số”. Bởi vậy, số hóa toàn diện sẽ là nền tảng của một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao. CĐS tạo ra kinh tế số và kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Là người đứng đầu cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “CĐS là phát triển nhanh vì kinh tế số tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. CĐS là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và chiếc điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không bị bỏ lại phía sau”.
Nghị quyết T.Ư 6 khóa XIII cũng nhấn mạnh CĐS là phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa là CĐS lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất. Hiện đại hóa là CĐS toàn diện, cả kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường, nhưng trọng tâm của CĐS vẫn là nhắm vào tăng trưởng kinh tế.
“Dự kiến hết năm nay, kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm 17% GDP, và vẫn tiếp tục tăng trưởng trên 20%/năm. Kinh tế số của Việt Nam sẽ là trên 20% GDP vào năm 2024, tức là chúng ta sẽ về đích sớm 1 năm so với mục tiêu Đại hội XIII đặt ra”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
VIỆT NAM SẼ HÓA RỒNG
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam trong lịch sử từng thường xuyên bị xâm lăng. Gần 1.000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm là thuộc địa của phương Tây, rồi nhiều cuộc chiến tranh, mỗi lần là hàng chục năm mới giành lại được đất nước, mới thống nhất được giang sơn. Và khi giành lại được thì đất nước cũng đã tan hoang. Lại dựng xây từ đầu để rồi 50 – 70 năm sau lại một cuộc xâm lăng mới và lịch sử lặp lại. “Mấy nghìn năm nay là vậy, Việt Nam cứ lên rồi xuống, chưa bao giờ vượt lên thành cường quốc để không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm, để vì thế mà hòa bình lâu dài, để vì thế mà xây dựng và tích lũy lâu dài thành nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Và cơ hội này đang đến, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định CĐS là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển.
Dẫn chứng từ Viettel làm được chiếc “nỏ thần” – làm được thiết bị mạng 5G, đi ra nước ngoài với doanh thu trên 3 tỉ USD; VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ; FPT đi làm công nghệ thông tin, CĐS cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ và có doanh thu trên 1 tỉ USD… Bộ trưởng Bộ TT-TT nhìn nhận những doanh nghiệp này, những doanh nhân này tạo cảm hứng, niềm tin cho chúng ta là “có thể làm được”. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hóa rồng.
Năm 2023, Bộ TT-TT mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến.