VIỆC VIỆT NAM VỚI CÁC DOANH NGHIỆP FDI (ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI) ĐẶT TRỌNG TÂM HỢP TÁC ĐẦU TƯ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, CHUYỂN ĐỔI SỐ, CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN, SẢN XUẤT CHIP… ĐANG MỞ RA CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ TRONG NƯỚC THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU. QUA ĐÓ, THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN TRONG NƯỚC PHÁT TRIỂN. “VIỆT NAM HOÀN TOÀN CÓ THỂ TRỞ THÀNH CÔNG XƯỞNG SẢN XUẤT CHIP BÁN DẪN CỦA THẾ GIỚI”, ĐÓ LÀ NHẬN ĐỊNH CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN TOÀN – PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (VAFIE) VỚI BÁO LAO ĐỘNG.
Sau 35 năm, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là ba nước đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Mỹ nằm ngoài top 10. Sau sự kiện Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao thành đối tác chiến lược toàn diện, truyền thông quốc tế kỳ vọng Việt Nam có thể đón làn sóng FDI thứ 4 với dòng vốn chủ đạo từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
– Trước đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…
Điều này cho thấy bóng dáng của các nhà đầu tư lớn nhất thế giới đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều. Ví dụ như Mỹ, hiện đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này khoảng 300 tỉ USD/năm, năm ít nhất cũng 200 tỉ USD, nhưng Mỹ đầu tư vào Việt Nam vỏn vẹn 1 tỉ USD. Nếu Việt Nam thu hút được đầu tư từ các quốc gia siêu cường như Mỹ, EU thì triển vọng tăng trưởng cho nền kinh tế rất cao.
Năm 2023 đã có những tín hiệu tích cực trong luồng vốn đầu tư từ Mỹ, EU… vào Việt Nam. Điều này thể hiện, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư sáng giá.
Trong lịch sử, chúng ta đã có thời cơ để thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, năm 2007, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Thế giới (WTO), sau đó một năm, năm 2008, Việt Nam đón nhận luồng vốn rất lớn, nhưng vốn giải ngân chưa được như kì vọng. Thời điểm đó, sự chuẩn bị của chúng ta còn hạn chế, chưa đủ tiềm lực để thu hút những dòng vốn rất lớn như vậy. Đến bây giờ, chúng ta cũng có thời cơ lớn, thời cơ này có lẽ còn tốt hơn, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia hội nhập với nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do) song phương, đa phương, trong đó có những quốc gia lớn nhất trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi với Việt Nam.
Thứ hai, hệ thống chính trị, kinh tế của Việt Nam rất ổn định, môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật liên tục được cải thiện, các doanh nghiệp của ta cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; nguồn nhân lực cũng phát triển tốt hơn cả về số lượng và chất lượng.
Ông đánh giá như thế nào trong 35 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?
Chúng ta cần nhìn vào những công ty FDI mở rộng nhà máy, mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam. Trước đây, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhiều cách để giải quyết hai câu chuyện. Thứ nhất, đó là việc thiếu vốn cho phát triển, bởi lúc đó, chúng ta rất thiếu vốn, không có vốn không làm được gì. Thứ hai, giải quyết được câu chuyện thừa nhân lực, thừa lao động.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, sau vài thập kỷ thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta nâng tầm thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là sau Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài ở phân khúc công nghệ cao, công nghệ nguồn, không thu hút đầu tư nước ngoài ở phân khúc công nghệ lạc hậu.
Đồng thời đảm bảo những vấn đề liên quan đến tác động môi trường, sử dụng năng lượng sạch, không thâm dụng lao động, không ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Ví dụ, năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Thuế tối thiểu toàn cầu) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.
Trước đây, chúng ta dùng công cụ thuế để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do vậy, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao. Có những doanh nghiệp FDI được ưu tiên về thuế, chỉ đóng thuế từ 6 – 7% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi sàn thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam từ 20 – 25%.
Khi Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, những doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam sẽ không được ưu tiên về thuế nữa, mức thuế suất sẽ nâng lên 15% từ năm 2024. Rất nhiều người lo ngại nếu mất ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI sẽ rời đi, nhưng bằng chứng năm 2023, số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 32% so với năm 2022, các chỉ số cơ bản đều tăng, trong đó, giải ngân vốn tăng.
Điều này cho thấy rõ, không phải chỉ ưu đãi thuế doanh nghiệp FDI mới “làm tổ” ở Việt Nam mà chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp FDI, từ thể chế, môi trường đầu tư, đến các điều kiện thuận lợi về nhân lực, tài nguyên…
Nghĩa là, ngoài câu chuyện ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn đầu tư ở một quốc gia có môi trường an toàn, thuận lợi và ổn định để đầu tư dài hạn?
– Thế giới đang có sự xoay trục về đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ như Mỹ, EU khi đầu tư ra nước ngoài, bao giờ cũng tính đến khả năng đầu tư dài hạn, chứ không chỉ chuyện thương mại (đầu tư ngắn hạn). Đầu tư dài hạn có nghĩa là họ “đổ” nguồn lực để xây dựng các công xưởng, nhà máy, thiết lập công ty, xây dựng hệ sinh thái…
Do vậy, khi tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới có những thay đổi thì doanh nghiệp FDI phải tìm đến một môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và Việt Nam chính là điểm đến như thế.
Việt Nam hiện nay là đối tác chiến lược của hầu hết các nước mạnh trên thế giới. Những điều đó đã tạo cho doanh nghiệp FDI một niềm tin mãnh liệt để đầu tư. Với EU, chúng ta đã có Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA), nếu triển khai cũng tạo niềm tin rất lớn với các nhà đầu tư của EU.
Bên cạnh đó, Việt Nam có năng lực rất tốt để phát triển công nghiệp bán dẫn. Bằng chứng là ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ tới Việt Nam. Điều này thể hiện vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn ngày càng lớn. Các trường đại học, những cơ sở đào tạo hàng đầu như ASU, Arizona cũng mở rộng hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Khả năng thu hút đầu tư từ ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
– Về công nghiệp bán dẫn, tôi cho rằng đây là cơ hội lịch sử đối với Việt Nam. Tại sao tôi lại nói như vậy, là bởi, chúng ta có nhiều điều kiện tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Intel đã đầu tư trong ngành này ở Việt Nam ngót nghét 20 năm. Họ thực hiện công đoạn đóng gói và kiểm tra lần cuối (kiểm tra các chip lần cuối trước khi xuất xưởng). Tuy nhiên, giá trị gia tăng không cao, khoảng 6 – 7%.
Năm 2023, tại Bắc Giang có 2 nhà máy của Mỹ (một nhà máy đã khánh thành, một nhà máy đang xây dựng) khoảng hơn 2 tỉ USD.
Về triển vọng, tôi cho rằng, họ không làm đơn thuần công việc đóng gói chip bán dẫn trước khi xuất xưởng, mà sẽ làm lớn hơn rất nhiều. Doanh nghiệp FDI muốn xây dựng những nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Trong đó sẽ thực hiện công đoạn lớn nhất là thiết kế chip (công đoạn chiếm hơn 50% giá trị gia tăng của sản phẩm).
Việt Nam có lợi thế gì để doanh nghiệp Mỹ lựa chọn là nơi đặt nhà máy? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế: Thứ nhất, Việt Nam có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp này.
Thứ hai, công nhân lao động, đội ngũ kỹ sư của chúng ta khá tốt, phù hợp phát triển công nghệ sản xuất chip.
Thứ ba, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng các chương trình bài bài để đón luồng sóng đầu tư này, trong đó đào tạo khoảng 50.000 – 100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để lập nhà máy sản xuất chip.
Liệu Việt Nam có trở thành công xưởng, trung tâm của thế giới về bán dẫn không, thưa ông?
– Đó là điều chắc chắn, tôi đặt niềm tin rất cao, nhưng muốn biến niềm tin đó trở thành hiện thực, chúng ta có nhiều việc phải làm, trong đó, quan trọng nhất phải tạo ra hệ sinh thái trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
Hệ sinh thái này gồm những gì? Thứ nhất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Chính phủ đã có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, giao cho nhiều trường đại học đào tạo như trường FPT đào tạo 10.000 sinh viên, các trường công nghệ khác ở Hà Nội, TPHCM cũng đào tạo hàng nghìn sinh viên.
Thứ hai phải xây dựng bằng được các trung tâm đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đây là điều kiện rất tốt để phát triển. Và, phải phát huy cao hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ; hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhưng việc triển khai cần làm tốt, rốt ráo, triệt để hơn để luật đi vào cuộc sống, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài hạ tầng kỹ thuật, chúng ta phải xây dựng hạ tầng xã hội, như xây dựng chỗ ở cho công nhân, người lao động an toàn, tiện nghi, lành mạnh hơn. Đây là việc phải làm bởi đã có những bài học đắt giá khi những kỹ sư, cán bộ khoa học – kỹ thuật rất giỏi của chúng ta, nhưng không phát huy được khi làm việc ở Việt Nam vì môi trường sống, làm việc chưa tốt, nên họ đã lựa chọn làm việc, định cư tại nước ngoài.
Trong hệ sinh thái này, chúng ta cũng phải đặt và trả lời câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam ở đâu? Chúng ta phải xây dựng một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt phát triển tốt để phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp bán dẫn, để thu hút, phát triển, đồng bộ, kết hợp một cách bình đẳng với doanh nghiệp ngoại.
Doanh nghiệp Việt có thể tham gia ở khâu nào trong hệ sinh thái này, thưa ông?
– Hiện nay chúng ta đã có những nhà máy đóng gói và kiểm tra khâu cuối cùng trước khi đưa sản phẩm chip bán dẫn ra thị trường, nhưng thời gian tới, chúng ta có thể tham gia ở khâu thiết kế, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất và thiết kế chip bán dẫn. Chúng ta phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để thiết kế các sản phẩm chip bán dẫn.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không làm một nhà máy chip bán dẫn “Make in Vietnam”, chúng ta có thể làm được, nhưng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, từ 10 tỉ – 20 tỉ USD/một nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Nếu chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài, bắt tay thực hiện cùng sẽ khả thi hơn. Nhưng trong tương lai, khi chúng ta đủ nguồn lực, đủ công nghệ, đủ nhân công, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ trong việc thiết kế, sản xuất chip bán dẫn.
Ngoài ra, chúng ta có nguồn đất hiếm rất lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc, nguồn đất hiếm này chỉ tính riêng Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm khoảng 60% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Vấn đề làm sao chúng ta khai thác, tinh luyện được để phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Để làm được những công việc như vậy đã là rất thành công rồi.
Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư nước ngoài vẫn có những hạn chế là còn thiếu liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước, và chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa thoát phận gia công, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
– Đúng như vậy, chúng ta làm rất tốt trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của chúng ta không cao. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa tận dụng tốt sự đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tạo hiệu quả cao cho nền kinh tế.
Do vậy, để có thể tạo ra giá trị gia tăng cao cho Việt Nam, chúng ta phải tăng cường sự liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước và tăng cường chuyển giao công nghệ. Bởi, sự liên kết của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa bấy lâu nay vẫn là khâu yếu. Qua cơ hội này, chúng ta phải đặt đây là vấn đề trọng tâm, chứ không chỉ làm khơi khơi bên ngoài.
Có một vấn đề mà doanh nghiệp FDI rất quan tâm, đó là nguồn điện. Mỗi một nhà máy sản xuất chip bán dẫn cần công suất khoảng 100 MW điện, tương đương với một nhà máy điện công suất trung bình. Đặc biệt, nguồn điện đó phải là điện sạch, năng lượng tái tạo, chứ không phải điện truyền thống, điện hoá thạch. Chúng ta phải giải quyết tất cả những vấn đề như vậy mới có thể trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất chip bán dẫn của thế giới.