Chiều 5/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý I/2023. Tại đây, nhiều vấn đề đã được đại diện Bộ KH&CN trao đổi về việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về các thành quả đã đạt được sau 2 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển AI.

Tuy nhiên, số lượng chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này không nhiều. Chúng ta cũng không có hạ tầng siêu tính toán mạnh như ở các quốc gia phát triển. Vấn đề cơ sở dữ liệu cho phát triển AI cũng là một rào cản. Đây là những lý do dẫn đến Việt Nam còn có khoảng cách nhất định so với các quốc gia khác trên thế giới về phát triển, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

<em>Họp báo thường kỳ Quý I2023 của Bộ KHCN Ảnh Trọng Đạt<em>

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, thời gian vừa qua, cùng với các sự kiện liên tục được tổ chức, sự quan tâm của xã hội đối với trí tuệ nhân tạo đã có thay đổi rất lớn. Các ngành học về AI được quan tâm hơn cả từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường, điểm đầu vào khi tuyển sinh những ngành này cũng tăng vọt.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo ngắn hạn của các doanh nghiệp mở ra liên tục. Một số doanh nghiệp lớn thậm chí còn phối hợp với địa phương để mở khuôn viên riêng đào tạo tập trung về AI.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, xã hội cũng đã bắt đầu quan tâm đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến pháp lý và đạo đức AI, làm sao để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, vấn đề đạo đức và pháp lý cho ứng dụng AI thậm chí còn quan trọng hơn việc nghiên cứu, phát triển AI. Các sản phẩm AI hiện đã có rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý chung trên toàn thế giới đều đang bị chậm hơn do sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ.

“Nếu ChatGPT đưa ra câu trả lời sai thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Ví dụ khi nấu ăn theo công thức của ChatGPT, nhưng dữ liệu sai, người ăn bị ngộ độc thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Chưa kể các câu trả lời về y tế, cách điều trị bệnh hay những vấn đề liên quan đến lịch sử của một quốc gia,..”, Thứ trưởng đặt vấn đề.

<em>Robot Thiện Nhân một sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo của các kỹ sư Việt Nam Ảnh Trọng Đạt<em>

Trong việc phát triển AI, còn một vấn đề nữa cần được đặt ra khi các công ty công nghệ sẽ có bức tranh tổng thể về từng cá nhân, thậm chí cả các chỉ số sinh lý, thời điểm những dữ liệu từ các thiết bị theo dõi sức khỏe được đồng bộ. Trong một bức tranh tổng thể, các thông tin này sẽ hình thành nên bản sao số của một người. Vấn đề quyền cá nhân, thông tin cá nhân vì thế cần phải được đặt ra và đảm bảo.

Đối với chiến lược phát triển, nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, vấn đề cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức. Với tiềm năng nhân lực lớn nhưng khởi điểm thấp, nhiều bộ, ngành tại Việt Nam đã và đang tập trung cho khâu đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực về công nghệ AI.

Trong năm nay, Bộ KH&CN sẽ đề nghị các bộ, ngành tập trung quan tâm đến một kỹ năng khác là làm sao để ứng phó với trí tuệ nhân tạo. Điều này được thực hiện trong bối cảnh các vụ tấn công lừa đảo thông qua công nghệ Deepfake (ghép mặt, giả dạng giọng nói) xuất hiện ngày càng nhiều.

Song hành cùng chiến lược quốc gia về phát triển AI, Bộ KH&CN còn quan tâm đến chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu và bồi dưỡng nhân tài để từ đó hình thành nên các startup.

<em>Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy Ảnh Trọng Đạt<em>

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam mạnh nhất ở các sản phẩm trợ lý ảo thuần Việt. Nhóm thứ 2 là các sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng người, biển số xe,… Nhóm thứ 3 là các sản phẩm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, giúp tự động gợi ý sản phẩm cho khách hàng.

Việt Nam cũng đang bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng AI trong y học, nhất là chẩn đoán sớm hình ảnh. Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp trong nước phát triển các giải pháp xe tự hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Nhìn chung, chiến lược trí tuệ nhân tạo của Việt Nam sẽ tập trung nhiều vào việc nâng cao năng lực sử dụng, ứng dụng, hấp thụ và phát triển các sản phẩm ngách phục vụ thị trường trong nước.

Theo Vietnamnet