“Năm 2030, nói về chip và bán dẫn, người ta sẽ nhắc tới Việt Nam như một nơi cần phải đến. Đây là khát vọng của đất nước”, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
Sánh vai với cường quốc năm châu bằng trí tuệ, chất xám
“25 năm trước, khi FPT quyết định Go Global (vươn ra thế giới), nhiều người bảo rằng chúng tôi ảo tưởng, làm sao người Việt Nam có thể làm được, người ở đâu ra mà làm. Khi ấy, từ Ấn Độ, chúng tôi đã mang chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế đầu tiên về Việt Nam. Đến nay, FPT đã làm được rất nhiều sản phẩm mà hàng chục triệu người trên thế giới đang sử dụng.
Năm 2015, khi chúng tôi nói quyết tâm xuất khẩu 1 tỷ USD phần mềm, không biết bao lời cho rằng chúng tôi nổ, hoang tưởng, nhiều người chê cười, dè bỉu chúng tôi. Để rồi ngày 31/12/2023, FPT chính thức công bố có 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm.
Cách đây 1 năm thôi, chúng ta lại gặp câu chuyện tương tự với chip và bán dẫn. Người ta có thể chê cười, nói mình không biết gì, chắc chỉ đi làm thuê thôi. Nhưng hãy tin, khác với chúng tôi phải mất 25 năm để đạt Top công ty 1 tỷ USD, các bạn trẻ hôm nay chỉ cần chờ 5 năm thôi. Năm 2030, nói về chip và bán dẫn, người ta sẽ nhắc tới Việt Nam như một nơi cần phải đến. Đây là khát vọng của đất nước”, ông Hoàng Nam Tiến, người đã 31 năm gắn bó với FPT, từng 8 năm ngồi trên “ghế nóng” Chủ tịch FPT Software, chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng tại buổi tọa đàm về chip và bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức ở Hà Nội.
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ (Ảnh: Bình Minh).
“Trong lĩnh vực chip và bán dẫn, chúng tôi vô cùng tự hào khi tại Đại hội cổ đông của FPT vừa rồi, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khoe đã bán 70 triệu chip cho khách hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhận được cam kết mạnh mẽ của khách hàng từ hai quốc gia này về việc sẽ hợp tác với FPT. Đây là những tiền đề nhỏ bé của ngày hôm nay để chúng ta có tương lai phát triển lớn hơn”, ông Tiến cung cấp thông tin khiến nhiều người bất ngờ.
Nhận định ngành chip và bán dẫn sẽ là tương lai, một trong những nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong ít nhất 25 năm tới, ông Tiến nhấn mạnh ưu điểm đặc biệt của người Việt Nam: Kiên trì, kiên nhẫn, khả năng tự học những điều mới rất nhanh.
Câu chuyện thực tiễn của FPT được dẫn làm minh chứng: Khách hàng quốc tế đưa ra rất nhiều điều mới, thậm chí tại FPT còn chưa có ai làm những công nghệ, những yêu cầu đó. Nhưng không quá 9 tháng, các kỹ sư, lập trình viên trẻ ở FPT đã học được.
“Tuần trước tôi tới Lạng Sơn, vô cùng ngạc nhiên khi thấy tại một tỉnh miền núi xa xôi, cuộc thi robot có 27 đội thi đấu đến từ thành phố Lạng Sơn và cả 10 huyện nghèo. Càng ngạc nhiên hơn khi biết tất cả các trường cấp 2 – 3 ở Lạng Sơn đều có giáo viên dạy về robot; chương trình STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học) đã được đưa vào gần như tất cả các trường ở địa phương này. Nhìn rộng hơn ra phạm vi cả nước, STEM được đưa vào các trường học từ lớp 1 tới lớp 12, các cuộc thi lập trình robot cũng ngày càng phổ biến. Đây chính là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam có thể phát triển ngành chip và bán dẫn”, ông Tiến kể tiếp câu chuyện thú vị khác.
“Mùa thu năm 1946, trong bức thư gửi thiếu niên nhi đồng cả nước, Bác Hồ mong muốn “thế hệ trẻ sẽ sánh vai các cường quốc năm châu”. Cá nhân tôi biết đã có hàng vạn bạn trẻ Việt Nam lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… Họ là những chàng trai, cô gái có sức khỏe, kỹ năng, đã và đang nuôi sống bản thân và gia đình, mang những đồng ngoại tệ quý giá về cho đất nước. Nhưng tôi mong muốn hơn thế nữa: Các bạn trẻ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, sánh vai các cường quốc năm châu bằng trí tuệ, chất xám và tuổi trẻ. Chúng tôi tin rằng, với khả năng, trình độ của người Việt, chúng ta sẽ chinh phục được thế giới”, vị lãnh đạo FPT bày tỏ.
Cơ hội và thách thức khi tham gia “cuộc đua” toàn cầu
“Từ năm 1979, Việt Nam có nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên – Z181, đã xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang châu Âu, nhưng ít lâu sau phải ngừng hoạt động. Cách đây 10 năm Việt Nam cũng muốn phát triển công nghiệp chip song cũng thất bại. Bây giờ Việt Nam lại có cơ hội mới do nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngành chip bán dẫn trên thế giới cũng như một số vấn đề liên quan cạnh tranh thương mại”, ông Võ Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, Việt Nam được chọn bởi có: Địa chính trị ổn định; Quyết tâm của Chính phủ, lãnh đạo Việt Nam rất cao; Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với rất nhiều quốc gia có nền công nghiệp chip bán dẫn phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, và mới đây, Đài Loan (Trung Quốc) – nơi có ngành chip bán dẫn phát triển hàng đầu thế giới – cũng đang quan tâm tới Việt Nam khi có nhu cầu chuyển dịch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…
Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn (Ảnh: Bình Minh).
“Việt Nam có cơ hội rất lớn, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm và làm việc hồi tháng 9/2023, nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Qua mối quan hệ này, chúng ta có hệ sinh thái của nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… tham gia cùng Hoa Kỳ phối hợp với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp lõi, và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Hoài phân tích.
Đề cập cơ hội của Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center đánh giá cao một lợi thế của Việt Nam: Số lượng lớn kỹ sư người Việt đang làm việc tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…, giúp các tập đoàn lớn toàn cầu nhìn thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam rất tốt, và bắt đầu quan tâm tới việc mở văn phòng tại Việt Nam.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 40 công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, đa số là doanh nghiệp FDI. Phần lớn doanh nghiệp đều thực hiện những công việc từ trụ sở chính ở nước ngoài chuyển sang, bắt đầu làm từ những việc đơn giản nhất, sau khi chứng minh được khả năng mới được giao làm những việc khó hơn, phức tạp hơn.
“Trong số 40 công ty đã bắt đầu có những startup thuần Việt. Tuy nhỏ thôi, chỉ khoảng 10 – 20 kỹ sư, đang mở rộng nhân sự lên 30 – 40 người, gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng họ đang chứng minh cho thế giới thấy rằng các công ty chip của Việt Nam cũng đang bắt đầu làm được rồi”, ông Hải Anh lạc quan.
Thống kê của World Semiconductor Trade Statistics cho hay, năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu ước khoảng 556 USD. Dự báo đến 2029, ước tính tổng giá trị thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1.400 tỷ USD. Với tiềm năng phát triển lớn, ngành công nghiệp bán dẫn như “miếng bánh” rất hấp dẫn đối với các cường quốc trên thế giới.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn phát triển với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Nhưng thực tế, tỷ lệ đóng góp của Việt Nam trong chuỗi bán dẫn toàn cầu vẫn đang chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia: “Bên cạnh cơ hội còn nhiều thách thức” (Ảnh: Bình Minh)
Bàn về câu chuyện này, Phó Chủ tịch NIC Võ Xuân Hoài thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh cơ hội cũng còn nhiều thách thức.
Ngành chip bán dẫn cần đầu tư đột phá. Tại Ấn Độ, muốn thu hút một tập đoàn sản xuất chip, Chính phủ phải chịu đối ứng 50% tổng vốn đầu tư. Sự đầu tư rất lớn của Nhà nước là một thách thức. Việt Nam liệu có làm được?
Mặt khác, thị trường toàn cầu đòi hỏi các cơ chế, chính sách phải vượt trội, đặc thù, nhiều quy định chưa có tiền lệ. Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế để thu hút sự phát triển ngành chip bán dẫn.
Thách thức quan trọng nhất và khó nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Nguồn nhân lực này cũng chính là yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Đào tạo 50.000 kỹ sư, hướng tới xuất khẩu nguồn nhân lực bán dẫn
Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn rất lớn. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ ước tính, đến năm 2030, toàn cầu sẽ cần thêm khoảng 1 triệu kỹ sư bán dẫn vi mạch.
“Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là có dân số trẻ, có thiên hướng học những môn liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Đó là yếu tố mà nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, rất mong muốn nhưng không có được. Nguồn nhân lực ngày càng tăng sẽ đón đầu nhu cầu nhân lực cực kỳ lớn. Chúng tôi có niềm tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, ông Harsh Bharwani, CEO Tập đoàn Jetking Global nhận xét.
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu (Ảnh: Bình Minh)
Phó Chủ tịch Võ Xuân Hoài cho biết: “Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia và nền kinh tế phát triển đã đến làm việc với NIC về vi mạch bán dẫn, mong muốn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực cho họ. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam xuất khẩu nguồn nhân lực bán dẫn”.
Cũng theo ông Hoài, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn đều phải có sự chuẩn bị dài hơi, 10 – 20 năm, thậm chí 30 năm.
Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư làm việc trong các công đoạn của lĩnh vực bán dẫn. Các giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng vừa tốt vừa nhanh đang tiếp tục được tìm kiếm.
“Phối hợp tập đoàn trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch là việc hết sức quan trọng. Sự hợp tác này rất cần thiết, bởi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Không thể một mình một cách thức đào tạo”, ông Hoài nhìn nhận.
Một “bài toán khó” đối với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là phòng thí nghiệm về bán dẫn vi mạch. Kinh nghiệm ở Đài Loan (Trung Quốc), đầu tư 1 phòng thí nghiệm về chip và bán dẫn cần khoảng 100 triệu USD. Đầu tư phòng thí nghiệm riêng là chuyện bất khả thi với hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo ở Việt Nam.
Thấu hiểu “nỗi lòng” của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đề xuất thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia (2 ở Hà Nội, 1 ở Đà Nẵng, 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh); 18 – 20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các trường đại học do ngân sách nhà nước đầu tư. Ngoài ra, phía Hoa Kỳ sẽ tài trợ đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm chuyên về đo kiểm đặt tại NIC Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu nắm bắt được cơ hội, hóa giải sớm thách thức, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, tạo dựng được vị trí trên bản đồ chip và bán dẫn thế giới.
“Bước đi đầu tiên vô cùng khó khăn. Nhưng không đi làm sao biết có đến được không. Không làm sao biết có làm được hay không. Muốn làm việc lớn, các bạn trẻ hãy bớt dùng mạng xã hội, bớt thời gian hóng bình luận trên đó, mà tập trung vào công việc của mình. Hãy học chip và bán dẫn để có thể tỏa sáng cho chính bản thân mình, góp phần vào sự tỏa sáng của cả đất nước. Tôi tin trong những năm rất gần sẽ gặp nhiều bạn trẻ Việt Nam tại Silicon Valley hay trên đường phố Tokyo, Singapore… Các bạn sẽ nói: Em chào thày. Em đã học chip và bán dẫn ở FPT”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến tâm tình với giới trẻ. |
Vietnamnet.vn