Đề án vừa được Bộ KH-ĐT trình lên Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2035, Việt Nam thành lập và phát triển được trung tâm tài chính quy mô khu vực; năm 2045 thành lập được trung tâm tài chính quy mô quốc tế.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung tâm tài chính là Thủ tướng Chính phủ
Trong Tờ trình dự thảo Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô quốc tế tại TPHCM một cách toàn diện (TPHCM muốn đặt trung tâm tài chính tại quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Còn trung tâm tài chính quy mô khu vực ở Đà Nẵng đi trước phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế, trọng điểm, gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) gắn với đổi mới sáng tạo.
Việc xây dựng các trung tâm tài chính khu vực, hướng đến trung tâm tài chính quốc tế đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, nhưng nếu thành công, theo Bộ KH-ĐT, sẽ đem lại nhiều kết quả như: Kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả,…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị áp dụng ngay cơ chế sandbox với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Ảnh: Minh Ngọc.
Tờ trình của Bộ KH-ĐT cho hay, cơ cấu tổ chức hoạt động của trung tâm tài chính gồm nhiều cơ quan. Trong đó, Ban Chỉ đạo trung tâm tài chính đóng vai trò điều phối, quản lý cao nhất, quyết định chiến lược phát triển, đầu tư… Trưởng Ban Chỉ đạo Trung tâm tài chính là Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan giám sát trung tâm tài chính gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, UBND cấp tỉnh, thành phố nơi đặt trung tâm tài chính…
Để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp liên quan trung tâm tài chính, trước mắt thành lập Trung tâm Trọng tài quốc tế thuộc trung tâm tài chính như mô hình trung tâm trọng tài thương mại nhưng có một số đặc thù để đảm bảo niềm tin và sự thuận tiện cho các chủ thể.
Kiến nghị cơ chế ưu đãi đặc biệt với trung tâm tài chính
Về cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính, Bộ KH-ĐT kiến nghị nhóm các chính sách áp dụng ngay, gồm: Xây dựng hệ thống và bộ tiêu chí đăng ký doanh nghiệp/đăng ký thành viên, chỉ áp dụng 1 thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến, không yêu cầu dự án, tài liệu bản gốc, hợp pháp hóa lãnh sự; cho phép thực hiện cơ chế sandbox với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa; thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho trung tâm tài chính;
Có chính sách ưu đãi cho các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến trung tâm tài chính Việt Nam (như ưu đãi về thuế, phí,… );
Miễn thị thực nhập cảnh thời hạn tối đa 30 ngày đối với cá nhân nước ngoài đến làm việc theo giấy mời của tổ chức hoạt động trong trung tâm tài chính, tối đa 90 ngày cho các nhà đầu tư nước ngoài có tài khoản giao dịch tại các tổ chức hoạt động trong trung tâm tài chính; miễn giấy phép lao động/áp dụng quy trình cấp giấy phép lao động rút gọn (fast-track) đối với cá nhân nước ngoài làm việc trong trung tâm tài chính và áp dụng quy trình cấp thị thực nhập cảnh/thẻ tạm trú dài hạn rút gọn đối với vợ/chồng/con chưa thành niên của các cá nhân đó.
Các chính sách sẽ được tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc sau năm 2035, gồm: Áp dụng pháp luật án lệ để điều chỉnh các hoạt động tài chính, thương mại trong phạm vi trung tâm tài chính và hình thành tòa án tài chính độc lập, cho phép thẩm phán là người nước ngoài tham gia hoạt động tố tụng; thiết lập khung pháp lý và vận hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương quốc gia (CBDC)…
Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế xác định mục tiêu:
Năm 2035 thành lập và phát triển được trung tâm tài chính quy mô khu vực; năm 2045 thành lập được trung tâm tài chính quy mô quốc tế. Về xếp hạng Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI): Đến năm 2035, vào Top 75 trung tâm tài chính thế giới, Top 25 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2045, vào Top 20 trung tâm tài chính thế giới và Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về xếp hạng lĩnh vực fintech, đến năm 2035 vào Top 75 trung tâm tài chính thế giới, Top 25 khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 3 khu vực ASEAN; đến năm 2045 trong Top 20 trung tâm tài chính thế giới, Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, “á quân” ASEAN. Theo Báo cáo GFCI lần thứ 36 (tháng 9/2024), trong lĩnh vực fintech, TPHCM đạt 609 điểm, xếp hạng 100/116, tăng 4 bậc và tăng 6 điểm so với báo cáo trước. So với các trung tâm tài chính trong khu vực, TPHCM xếp sau Jarkarta – Indonesia (xếp hạng 94) nhưng đứng trên Manila – Philippines (101) và Bangkok – Thái Lan (102). |
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-co-trung-tam-tai-chinh-quy-mo-khu-vuc-san-giao-dich-tai-san-ma-hoa-2330835.html