Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay vừa có một công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Có thể đến cuối năm vắc xin sẽ được cấp phép.
Sáng 23-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương có buổi họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Tại buổi họp trực tuyến, TS Nguyễn Vũ Thượng, phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết trong tuần qua 20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 2.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước và có 2 ca tử vong.
Ca tử vong chủ yếu là trẻ 5 tuổi, tử vong sau 1 – 6 ngày sau khi nhập viện. Nguyên nhân tử vong ở 5/7 ca xác định do vi rút Entero 71 (EV17). Do đó trường học là nơi dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ông Thượng, phần lớn ca bệnh ban đầu đều bị lờ đi chẩn đoán tay chân miệng khi đi cơ sở y tế tư nhân. Ông đề nghị nên có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh quan tâm, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, phòng ngừa biến chứng, tử vong cho trẻ.
Trao đổi về tình hình dịch bệnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay thời gian qua, Bộ Y tế và các vụ, cục, địa phương đã triển khai biện pháp phòng chống dịch tích cực.
Dù vậy, để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, các tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ.
Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết một cách chủ động.
Song song đó, phải tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Có chế độ thông tin báo cáo, bởi thực tế đã có tỉnh báo cáo chậm trễ, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch, cấp cứu điều trị.
Ngoài ra, thứ trưởng Bộ Y tế báo tin vừa có một công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. “Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc xin này sẽ được cấp phép”, bà Liên Hương nói.
Nhưng trước khi đợi vắc xin được cấp phép, thứ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị. Hiện nay tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên.
Các địa phương phải chủ động trong dự trù số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất; đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch.
(Theo TTO)