Tại buổi tiếp, về phía Bộ TT&TT Việt Nam có đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan. Về phía Liên Hợp quốc có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, ông Quintin Chou-Lambert, Chánh Văn phòng Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Công nghệ, đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam.
Phó Tổng Thư ký LHQ Amandeep Singh Gill nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ông cho rằng cần thiết lập một “Thỏa thuận Kỹ thuật số Toàn cầu” (GDC) để xây dựng một tầm nhìn mới nhằm củng cố hợp tác quốc tế và sự đoàn kết toàn cầu trong phát triển công nghệ. GDC hướng đến xây dựng nền kinh tế số toàn diện và công bằng, đặc biệt tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển.
Liên quan đến AI, ông Amandeep Singh Gill chia sẻ quan điểm của LHQ: Các quốc gia nên tham gia ngay từ đầu vào quá trình thiết lập các quy tắc cho AI thay vì chỉ tuân theo luật chơi ở vị thế người dùng.
Phó Tổng Thư ký cũng đánh giá cao nỗ lực và thành công của Việt Nam nói chung và Bộ TT&TT nói riêng trong việc phổ cập Internet cho toàn bộ người dân. Đây vẫn là một vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới vì vẫn còn 2,6 tỷ người hiện nay chưa được kết nối Internet.
Đáp từ Phó Tổng Thư ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam ủng hộ Thỏa thuận kỹ thuật số toàn cầu của Liên Hợp quốc, các kế hoạch hành động liên quan đến Thỏa thuận và mong muốn đóng vai trò tích cực trong các mạng lưới và hoạt động này.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, một khu vực năng động và có những bài học có thể chia sẻ với nước khác, nhất là các nước đang phát triển. Bộ trưởng cũng chia sẻ một số thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua trong lĩnh vực viễn thông, chuyển đổi số …
Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh về cách tiếp cận riêng, khá đặc biệt, độc đáo của Việt Nam đối với AI, với hai hình thức là AI công (public AI) và AI tư (private AI). Private AI, trước tiên là xây dựng trợ lý ảo, trong đó các tổ chức, đơn vị tự xây dựng, phát triển AI, sử dụng dữ liệu, tri thức của chính tổ chức mình. Bộ TT&TT đang tích cực thúc đẩy mô hình private AI, đi tiên phong chính là 34 đơn vị trực thuộc Bộ đang xây dựng trợ lý ảo phục vụ cán bộ công chức đơn vị mình.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia các sáng kiến, kế hoạch toàn cầu do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Liên Hợp quốc tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong các vấn đề mang tính toàn cầu như chuyển đổi số, phát triển số và AI./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/viet-nam-san-sang-tham-gia-tich-cuc-vao-cac-sang-kien-toan-cau-ve-cong-nghe-so-va-ai-197250107100840948.htm